Thiên tài của đại dương? Hãy gọi tên bạch tuộc nhé!

Nhắc đến trí thông minh của các loài động vật sống dưới đại dương, người ta thường nghĩ tới cá heo hoặc cá voi. Tuy nhiên còn một loài sinh vật biển nữa cũng có chỉ số IQ đáng nể, đó là bạch tuộc.

Vào năm 2016, cuộc đào tẩu của một chú bạch tuộc trong thủy cung tại New York đã làm các nhà khoa học vô cùng bất ngờ.

Lợi dụng việc nhân viên quên không đóng nắp bể chứa, bạch tuộc đã tự minh leo ra khỏi bể, đi qua một căn phòng tới miệng cống đang mở, rồi tự ép mình di chuyển trong một đường ống dài 50m để trở về với đại dương.

Cuộc đào tẩu thành công của chú bạch tuộc năm đó là minh chứng cho trí thông minh tuyệt vời của loài sinh vật này.

1. Biết sử dụng công cụ

Jennifer Mather – một nhà sinh vật học tại ĐH Lethbridge, Canada đã quan sát thấy một hiện tượng khá thú vị. Để đảm bảo an toàn cho tổ của mình, bạch tuộc tự mình di chuyển các tảng đá gần đó để tạo ra một hàng rào xung quanh nơi trú ẩn, sau đó mới an tâm chìm vào giấc ngủ.


Bạch tuộc biết xây tổ bằng vỏ sò.

Điều này chứng tỏ chúng có khả năng dự đoán những khả năng trong tương lai và từ đó tự lập ra kế hoạch cho mình.

Việc chúng sử dụng đá để xây tường có thể được coi là khả năng sử dụng công cụ. Tuy nhiên, điều này vẫn còn gây tranh cãi bởi nhiều người cho rằng đó chỉ là hành động mang tính bản năng.

Đến năm 2009, một số nhà khoa học tại bảo tàng Melbourne (Úc) đã quan sát thấy nhiều con bạch tuộc đào vỏ dừa từ dưới đáy đại dương, rồi sắp xếp và di chuyển chúng trên quãng đường dài 20m để xây chỗ trú ẩn cho mình.

Đây có vẻ như là một bằng chứng thuyết phục, hơn cho thấy rằng loài sinh vật này có thể sử dụng công cụ để phục vụ cho cuộc sống của mình.

2. Biết chơi đùa


Là động vật có nhận thức cao nên bạch tuộc mới có khả năng chơi đùa.

Chỉ những loài động vật có nhận thức cao mới có khả năng chơi đùa, và có nhiều khả năng bạch tuộc thuộc một trong số đó. Jennifer Mather cùng các cộng sự của mình đã thực hiện một thí nghiệm để chứng minh điều này.

Họ đặt 8 con bạch tuộc loại lớn vào trong một bể nước, và cho chúng một vài chai lọ nhựa rỗng. Ban đầu, chúng cho những chai này lên miệng để kiểm tra xem đó có phải thức ăn không, rồi sau đó vứt đi.

Tuy nhiên, sau khi lặp đi lặp lại thí nghiệm này, 2 trong số 8 con bạch tuộc trên bắt đầu thổi các tia nước vào bên trong chai trước khi ném. Dòng nước đưa những chai nước ấy văng ngược trở lại về phía con bạch tuộc, rồi chúng lại tiếp tục chơi đùa.

3. Có cá tính riêng

Các nhà khoa học tin rằng mỗi con bạch tuộc đều mang một cá tính riêng.

Điều này cũng được chứng minh qua một thí nghiệm, trong đó người ta nhốt 44 con bạch tuộc vào một thùng chứa. Trong suốt hai tuần, mỗi ngày họ tương tác bằng cách chạm nhẹ vào chúng bằng bàn chải thí nghiệm, và cho chúng những con cua ngon cho bữa tối.


Bạch tuộc có những cảm xúc và hành động khác nhau dựa theo tính cách của từng cá thể.

Kết quả là có tới 19 phản ứng khác nhau được ghi nhận. Có con phản ứng một cách bị động, nhưng cũng có con chủ động và tò mò hơn. Điều này chứng tỏ bạch tuộc có những cảm xúc và hành động khác nhau dựa theo tính cách của từng cá thể.

Các nhà nghiên cứu thậm chí còn đưa ra giả thuyết rằng bạch tuộc còn di truyền lại tính cách của chúng cho thế hệ sau.

4. Bậc thầy ngụy trang

Một số loài bạch tuộc còn có thể thay đổi màu sắc, hình dáng, và thậm chí cả chuyển động để đánh lừa những kẻ săn mồi. Nghiên cứu cho thấy chúng có thể bắt chước ít nhất 15 loài khác nhau.

5. Biết tư duy giải quyết vấn đề

Bạch tuộc có thể tự nghĩ ra những phương pháp khác nhau để đạt được mục đích, và nếu cách này thất bại thì chúng sẽ áp dụng một kế hoạch khác. Điều này trở thành một lợi thế rất lớn mỗi khi chúng đi săn mồi.

6. Biết ghi nhớ và học hỏi


Bạch tuộc có khả năng ghi nhớ đường đi và áp dụng chúng vào những hoàn cảnh cần thiết.

Trong một thí nghiệm nhỏ, người ta đặt hai con bạch tuộc vào một mê cung. Sau 5 lần tìm đường thoát ra, những con bạch tuộc có thể dễ dàng vượt qua mê cung mà không gặp bất cứ trở ngại gì.

Điều này cho thấy chúng có khả năng ghi nhớ đường đi và áp dụng chúng vào những hoàn cảnh cần thiết.

7. Và bộ não của chúng cũng có nhiều điểm chung với con người

Cấu tạo bộ não của bạch tuộc cũng khá phức tạp. Chúng có tầm nhìn tương tự con người khi hai mắt bổ sung và hỗ trợ cho nhau.

Đặc điểm này thường thấy ở những sinh vật cao cấp mà hai nửa não bộ đảm nhiệm những nhiệm vụ khác nhau. Nó cũng có liên quan và bổ trợ cho chức năng ngôn ngữ.


Bạch tuộc cũng lưu trữ kí ức theo cách tương tự như con người.

Chúng cũng lưu trữ kí ức theo cách tương tự như con người, do vậy kí ức tồn tại lâu hơn và sự liên kết giữa các tế bào não cũng được tăng cường.

Hơn 1 nửa trong số 500 triệu tế bào thần kinh của bạch tuộc nằm trong các chân của nó. Điều này có nghĩa là 8 chân có thể hành động độc lập hoặc phối hợp với nhau dễ dàng.

Nói cách khác, không giống con người sử dụng não bộ làm trung khu thần kinh, thì trí thông minh của bạch tuộc được chia nhỏ trên một mạng lưới rộng hơn gần giống như Internet.

Cập nhật: 09/10/2018 Theo helino
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video