Thiên thạch xóa sổ khủng long tạo ra cơn sóng cao 1,5km, mạnh gấp 30.000 lần trận sóng thần mạnh nhất lịch sử

Theo nghiên cứu mới, thiên thạch này cũng tạo ra một trận siêu sóng thần khổng lồ, lớn hơn hàng nghìn lần so với bất kỳ cơn sóng nào từng được loài người ghi nhận, theo ScienceAlert.

66 triệu năm trước, thiên thạch Chicxulub, xuất phát từ vùng rìa bên ngoài của Hệ Mặt trời, đã lao thẳng xuống vùng biển nông gần Bán đảo Yucatan của Mexico ngày nay. Cú va chạm này mạnh đến mức, nó đã lại "sẹo" trên bề mặt Trái đất. Vào năm 2021, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sóng xung kích sinh ra từ vụ nổ thậm chí đã "khắc sâu" vào lớp vỏ Trái đất, bên dưới khu vực ngày nay là trung tâm bang Louisiana (Mỹ).


Góc nhìn từ sát miệng hố Chicxulub, tàn tích còn sót lại của vụ va chạm cách đây 66 triệu năm khiến khủng long tuyệt chủng hoàn toàn

Giờ đây, một nghiên cứu mới do nhà cổ sinh vật học Molly Range của Đại học Michigan dẫn đầu cho thấy, Chicxulub thậm chí đã tạo ra một trận sóng thần khổng lồ. Trong quá trình di chuyển, trận sóng thần này mạnh đến mức nó có thể quét sạch đáy biển và xói mòn trầm tích cách đó nửa vòng Trái đất. Nó cũng lớn hơn tất cả các cơn sóng thần mạnh nhất trong lịch sử từng được loài người ghi lại, cả về năng lượng và kích thước.

Cao 1,5km, mạnh gấp 30.000 lần trận sóng thần mạnh nhất lịch sử loài người

Theo đó, nhóm nghiên cứu của Đại học Michigan đã lập mô hình mô phỏng 10 phút đầu tiên sau khi thiên thạch Chicxulub va chạm với Trái đất. Nhóm cũng mô phỏng các hiệu ứng gợn sóng tiếp theo lan ra các đại dương trên thế giới để tìm hiểu về trận sóng thần do thiên thạch Chicxulub gây ra.

Kết quả từ các mô phỏng cho thấy, trận siêu sóng thần sau khi Chicxulub va chạm với Trái đất mạnh hơn tới 30.000 lần so với trận sóng thần ở Ấn Độ Dương vào năm 2004, vốn được coi một trong những trận sóng thần lớn nhất từng được ghi nhận.

Vụ nổ ban đầu ngay khi Chicxulub lao xuống đã hất tung một lượng không tưởng nước lên cao ở điểm va chạm khu vực biển gần Bán đảo Yucatan, tạo ra một cơn sóng cao tới 1,5km – tức cao gần gấp đôi chiều cao tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa (828m).

Vào thời điểm đó, miệng hố ở đáy biển vốn được sinh ra sau cú va chạm gần như trơ đáy. Tuy nhiên, khoảng thời gian này không tồn tại lâu, khi nước ở khu vực xung quanh lập tức tràn vào để lấp đầy miệng hố. Tuy nhiên, lượng nước này tiếp tục va đập vào nhau, sản sinh ra nhiều cơn sóng hơn. Từ đó, một cơn sóng thần cao hơn 10 mét (33 feet) di chuyển qua đại dương sâu thẳm với tốc độ 1m/giây để tấn công các bờ biển trên khắp thế giới.

"Cơn sóng thần này đủ mạnh để làm xáo trộn và xói mòn trầm tích trong các lưu vực đại dương ở nửa vòng Trái đất, để lại một khoảng trống trong hồ sơ trầm tích hoặc một mớ hỗn độn các trầm tích cũ hơn", nhà cổ sinh vật học Molly Range cho biết.


Trận siêu sóng thần sinh ra sau vụ va chạm cao tới 1,5km, với sức mạnh gấp 30 nghìn lần so với trận sóng thần ở Ấn Độ Dương vào năm 2004. (Ảnh minh họa)

Những con sóng lớn nhất và di chuyển nhanh nhất được tạo ra gần điểm va chạm, ở vùng nước mở của Vịnh Mexico, cao hơn 100m (328 feet) và di chuyển với tốc độ hơn 100m mỗi giây. Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, động đất và các trận lở đất dưới nước ở khu vực này cũng có thể góp phần khiến trận sóng thần mạnh hơn.

Đáng nói, một sự kiện tàn khốc như vậy được cho là sẽ để lại "vết sẹo" trên khắp Trái đất. Tuy nhiên, khoảng thời gian kéo dài tới hàng chục triệu năm đã xóa mờ gần hết dấu tích của sự kiện, buộc các nhà khoa học phải tìm hiểu dựa trên những bằng chứng ít ỏi còn sót lại.

Giờ đây, khi biết sóng thần đã xé toạc thế giới như thế nào, các nhà khoa học có thể thu thập thông tin chi tiết từ trầm tích tại các địa điểm cách xa miệng hố Chicxulub ở Bán đảo Yucatan để phát hiện thêm dấu vết của sóng thần.

Điều này rất quan trọng, trong bối cảnh rất nhiều nghiên cứu đã thực hiện để giải quyết tất cả các điểm gợn về việc mức độ đa dạng sinh học của khủng long đã suy giảm thế nào sau sự kiện trên. Đương nhiên, nghiên cứu cũng cung cấp một góc nhìn mới mẻ về một phần thảm khốc trong lịch sử Trái đất.

Xóa sạch mọi tàn tích của lịch sử

Để thu được những con số đáng sợ về năng lượng, chiều cao và phạm vi của trận siêu sóng thần, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu đo độ sâu để ước tính vị trí của đáy biển cách đây khoảng 66 triệu năm. Mặc dù các mô hình không thể mô phỏng được chính xác đường bờ biển của các lục địa cổ đại, tác động của trận siêu sóng thần là không cần bàn cãi.

"Tùy thuộc vào hình dạng của bờ biển và tốc độ ập vào của các cơn sóng, hầu hết các khu vực ven biển sẽ bị ngập lụt và xói mòn ở một mức độ nào đó".

"Bất kỳ trận sóng thần nào được ghi nhận trong lịch sử đều mờ nhạt so với sự kiện có tác động toàn cầu như vậy", các nhà nghiên cứu cho biết.

Tại nhiều địa điểm trên đường đi của sóng thần, ranh giới địa chất mà các nhà khoa học hiện sử dụng để xác định sự kiện tuyệt chủng của khủng long đã bị xáo trộn bởi sức mạnh của trận sóng thần. Sự xáo trộn địa chất lớn nhất được tìm thấy ở Bắc Đại Tây Dương và Nam Thái Bình Dương, nơi sóng thần di chuyển cực nhanh.

"Bằng chứng rõ ràng nhất về sự hủy diệt toàn cầu của trận siêu sóng thần là các phần bị xáo trộn mạnh và không hoàn chỉnh trên bờ biển phía đông của Quần đảo Bắc và Nam của New Zealand".

"Những địa điểm này nằm ngay trên đường lan truyền của sóng thần, cách xa hơn 12.000km [7.500 dặm] so với vị trí thiên thạch va chạm với Trái đất".

Trong giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu, các nhà khoa học sẽ tiếp tục xem xét cách các trận sóng xung kích sinh ra từ vụ va chạm có thể gây ra một loạt trận sóng thần trên khắp Trái đất. Đây là hướng nghiên cứu được đưa ra sau vụ phun trào núi lửa Tonga vào đầu năm nay.

Theo đó, các nhà khoa học đã nhận ra những sóng áp suất không khí sinh ra từ vụ phun trào có thể mạnh đến mức nào, tạo ra những con sóng cao tới 1m ở một số vùng của Thái Bình Dương.

Cập nhật: 26/11/2022 Tổ Quốc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video