Trang tin Hindustan Times dẫn lời tổ chức Hòa bình Xanh cho biết số người tử vong vì ô nhiễm không khí ở Ấn Độ đã vượt Trung Quốc trong năm 2015 do thiếu các biện pháp thích đáng của chính phủ.
Sử dụng số liệu từ nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu, báo cáo của tổ chức Hòa bình Xanh cho thấy ô nhiễm không khí ngoài trời đã gây thiệt mạng cho 3.283 người Ấn Độ trong năm 2015, cao hơn con số 3.233 người tại ở Trung Quốc.
Nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ trực tiếp giữa việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí ngoài trời với tình trạng chết sớm.
Cảnh ô nhiễm không khí trên đường phố Giang Tô, Trung Quốc vào tháng 11/2016. (Ảnh: Reuters).
Số người tử vong vì ô nhiễm ở Ấn Độ đã tăng từ 2.100 người năm 1990 lên 2.502 người vào năm 2000, và rồi lên 2.865 vào năm 2010, trước khi tăng vọt trong 5 năm qua.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, số người chết vì ô nhiễm không khí nặng là 2.620 người vào năm 1990, tăng lên 3.010 người vào năm 2000, và rồi tăng lên 3.100 người vào năm 2010.
Giải thích về xu hướng này, ông Sunil Dahiya – đại diện của Tổ chức Hòa bình Xanh tại Ấn Độ cho rằng do mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng, mức độ ô nhiễm ở Trung Quốc đang ngày càng trở nên xấu đi. Từ năm 2005 đến năm 2011, mức độ ô nhiễm khói bụi ở Trung Quốc đã tăng khoảng 20%. Năm 2011 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử Trung Quốc về ô nhiễm không khí. Giờ đây đến lượt Ấn Độ bị ô nhiễm ngày càng nặng.
Ấn Độ và Trung Quốc tranh giành vị trí quán quân ô nhiễm không khí. (Ảnh: Hindustan Times).
Xu hướng tại Ấn Độ cho thấy chính phủ nước này đang thiếu một sự nỗ lực thống nhất để làm giảm mức độ ô nhiễm. Phân tích số liệu, các chuyên gia thấy rằng, sau năm 2011, ô nhiễm ở Trung Quốc đã giảm phần nào khi nước này đưa ra biện pháp kiểm soát các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và số lượng xe trên đường chạy trên đường.
Các chuyên gia môi trường khác cũng cho rằng nếu không có kế hoạch tổng thể để xử lý ô nhiễm không khí, mức độ ô nhiễm sẽ tiếp tục phá các kỷ lục mới.
Ô nhiễm môi trường đã trở thành một trong những vấn đề nhức nhối của Ấn Độ vào mùa đông. Năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã xếp hạng Delhi là thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới, vượt qua các thành phố của Trung Quốc.