Những người rơi vào tình huống nguy hiểm thường cảm thấy thời gian chậm lại. Sự bóp méo thời gian này không phải là kết quả của việc não làm việc hăng hơn, mà dường như là một ảo giác.
Để kiểu tra xem liệu nguy hiểm có khiến người ta cảm thấy như ở trong pha quay chậm, các chuyên gia tại Đại học Y Baylor ở Houston đã thử làm cho các tình nguyện viên sợ hãi, bằng cách thả họ xuống từ độ cao rất lớn.
Những người này được thả (không có dây bảo hộ) để rơi xuống một cái lưới. Tốc độ rơi lên đến 70 dặm mỗi giờ trong thời gian kéo dài chỉ 3 giây, từ độ cao 45 mét. Kết quả là, các tình nguyện viên đều đoán rằng cuộc rơi của họ kéo dài hơn khoảng 1/3 thời gian so với khi họ chứng kiến cuộc rơi của người khác.
Để kiểm tra xem trong nguy hiểm mọi người có thực sự nhìn và cảm nhận nhiều hơn - giống như một chiếc camera quay chậm làm được - tác giả David Eagleman và cộng sự đã phát triển một thiết bị gọi là "cảm kế", gắn vào cổ tay của tình nguyện viên. Thiết bị giống như đồng hồ này hiển thị con số trên màn hình. Các nhà khoa học điều chỉnh tốc độ hiển thị số cho đến khi chúng xuất hiện quá nhanh để nhìn thấy.
Nếu não làm việc nhanh hơn khi gặp nguy hiểm, thì về lý thuyết, các con số trên cảm kế sẽ xuất hiện đủ chậm để tình nguyện viên có thể đọc được khi đang rơi. Nhưng trong thực tế, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy tình nguyện viên không thể đọc được các con số ở tốc độ nhanh hơn bình thường.
Thí nghiệm thả người rơi không có dây bảo hộ từ độ cao 45 mét. (Ảnh: LiveScience) |
Chỉ là ảo giác
Hoá ra, cảm giác thời gian như chậm đi là một mẹo chơi khăm của ký ức. Khi một người hoảng sợ, một vùng não có tên amygdala trở nên hoạt bát hơn, tích luỹ thêm một phần ký ức phụ đi kèm với ký ức vốn thường được ghi nhận bởi các vùng não khác.
"Theo cách này, những sự cố đáng sợ thường gắn liền với khối ký ức dầy dặn và đậm đặc hơn. Và càng có nhiều ký ức về một sự cố, bạn càng tin rằng nó diễn ra lâu hơn", Eagleman lý giải.
Ảo giác này "có liên quan tới hiện tượng bạn cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn khi về già". Lúc còn là một đứa trẻ, bạn ních đầy các ký ức về mọi trải nghiệm của mình, còn khi già đi, bạn đã nhìn thấy tất cả mọi thứ đều quen thuộc và ghi nhớ ít hơn. Vì thế, khi một đứa trẻ nhớ lại một mùa hè, nó dường như dài vô tận, còn người lớn thì nghĩ rằng nó trôi vù qua.
Nghiên cứu này có thể giúp hiểu rõ hơn những rối loạn liên quan đến thời gian, như bệnh tâm thần phân liệt.
Thuận An