Thông hai lá dẹt - cổ thực vật hóa thạch sống

Qua nghiệm thu bước đầu, ngày 14/5, VQG Bidoup Núi Bà và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng thông báo việc nghiên cứu và trồng thử nghiệm loài cổ sinh vật “hóa thạch sống” thông hai lá dẹt trên đỉnh núi Bidoup (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã cho kết quả khả quan.

Thạc sỹ Lê Văn Hương – GĐ VQG Bidoup Núi Bà - cho biết: “Với độ cao từ 1.500 đến trên 2.000m, việc trồng thử nghiệm thành công giống thông cổ sinh vật này ở khu vực rừng Bidoup (giáp ranh giữa Lâm Đồng và Khánh Hòa) một lần nữa chứng minh rằng đây chính là “xứ sở” của loài hóa thạch sống thông hai lá dẹt”.

Tài liệu nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng cho biết: Thông hai lá dẹt có tên khoa học là Ducampopinus kremfii, thuộc họ thông – pinaceae; với đặc trưng là có hai lá dẹt hình lưỡi kiếm. Đây là loài thông cổ được cho là sinh cùng thời với khủng long; hiện đã gần như bị tuyệt diệt trên thế giới, chỉ có độc nhất ở Việt Nam.

Sứ giả thời tiền sử

Thông hai lá dẹt ở Lâm Đồng được ví như “sứ giả thời tiền sử”, là một thực vật cổ “hóa thạch sống” hiếm hoi còn sót lại cho đến ngày nay (trên thế giới, ngoài Việt Nam, không còn nơi nào có loài cổ sinh vật này). Hiện tại, thông hai lá dẹt được xếp ở loài hiếm, mức độ đe dọa có thể bị tuyệt chủng (bậc R).


Thông hai lá dẹt ở rừng Bidoup.

Ở Việt Nam, ngoài khu vực Cổng Trời của huyện Lạc Dương (giáp với TP Đà Lạt, Lâm Đồng theo hướng Suối Vàng, phường 7), quần thể thông hai lá dẹt hiếm hoi này chỉ còn được tìm thấy tại khu vực rừng Bidoup (trên đỉnh Hòn Giao, tiếp giáp với địa phận tỉnh Khánh Hòa) và một ít ở các nơi khác như quần sơn thuộc huyện Khánh Sơn của tỉnh Khánh Hòa, vùng phụ cận Nha Trang (Khánh Hòa) giáp với vùng rừng Đơn Dương (Lâm Đồng), vùng rừng thuộc VQG Chư Yang Sin (Đắc Lắc)...

Thạc sĩ Lê Văn Hương cho biết: “Cổ sinh vật thông hai lá dẹt được cho là sinh cùng thời với khủng long. Sau những biến đổi trong lịch sử trái đất hàng triệu năm về trước, hầu như mọi sinh vật đều biến mất, chỉ một vài loài còn sót lại. Trong đó, “người” còn sót lại và sống cùng với con người hôm nay chính là thông hai lá dẹt, và chỉ Việt Nam mới có. Vì thế, loài cổ sinh vật hóa thạch này được ví như là một trong những sứ giả thời tiền sử”.

Tín hiệu đáng mừng

Lãnh đạo của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng cho biết: “Đối với một số loài cổ sinh vật ở Lâm Đồng hiện nay, ngoài việc chú trọng bảo tồn insitu (bảo tồn tại chỗ) thì hình thức bảo tồn exsitu (bảo tồn ngoại vi) như thu thập hạt giống gây trồng ngoài vùng phân bố tự nhiên cũng được chú trọng một cách đặc biệt”. Ở rừng Lâm Đồng có các quần thể thông hai lá dẹt phân bố tự nhiên, kết quả khảo sát của các nhà khoa học trong những năm gần đây cho thấy, khả năng tái sinh tự nhiên của loài cổ thực vật này là rất kém. Do vậy, khả năng thay thế những cánh rừng thông hai lá dẹt thuần thục một cách tự nhiên là rất hiếm có.

Chính vì thế mà các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng đã “hướng” về phương pháp exsitu trong công tác bảo tồn và phát triển giống cây cổ sinh vật thời tiền sử thông hai lá dẹt. Theo nhóm nghiên cứu của Trung tâm, cái khó nhất trong việc nghiên cứu nhân giống thông hai lá dẹt là ở chỗ tạo được một môi trường phù hợp để chăm. Nếu trước đây, phương pháp ươm hạt tạo cây con còn khó khăn thì nay, khâu tạo giống đã có sự can thiệp của kỹ thuật in vitro (nhân giống vô tính) nên việc tạo cây con tương đối dễ dàng.

Vấn đề lúc này là nuôi cây con trong vườn ươm và đưa cây giống ra ngoài hiện trường để trồng. Từ 5 năm về trước, việc nhân giống loài thực vật cổ sinh này được thực hiện chủ yếu bằng cách ươm hạt nên số lượng cây giống không nhiều; với lại, tuy các nhà khoa học có mang loại cây giống này đi trồng một số nơi nhưng tỉ lệ cây sống đạt rất thấp.

Trong ba năm trở lại đây, việc nhân giống đã được thực hiện theo phương pháp in vitro nên đã có hàng loạt cây giống thông hai lá dẹt ra đời. Trung tâm Nghiên cứu lâm sinh Lâm Đồng đã chọn vùng rừng Bidoup - một trong những nơi phát hiện có quần thể thông hai lá dẹt tồn tại tự nhiên - để trồng thành rừng. Ông Lê Văn Hương, GĐ VQG Bidoup Núi Bà, cho biết: “Sau một thời gian trồng thử nghiệm (2ha trồng dưới tán rừng, 1ha trồng trên đất trống), đến nay, tỉ lệ cây sống đạt khá cao và tỏ ra phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đây. Như vậy, tỉ lệ thành rừng đối với lượng cây giống thông hai lá dẹt đang thử nghiệm này là rất cao”.

Ở Lâm Đồng - Tây Nguyên, không chỉ “sứ giả thời tiền sử” thông hai lá dẹt còn sót lại mà đâu đó trong những cánh rừng già vẫn còn những “sứ giả” cùng thời khác là những hóa thạch sống như thủy tùng, sồi ba cạnh, thông năm lá... Bởi vậy, việc nhân giống thành công thông hai lá dẹt không chỉ có ý nghĩa riêng của việc bảo tồn nguồn gen này mà còn mở ra một triển vọng mới cho việc bảo tồn các loài thực vật cổ sinh khác cũng được xem là “sứ giả của thời tiền sử” đang hiện hữu ở Lâm Đồng - Tây Nguyên nhưng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao.

Theo LĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video