Phát hiện cổ vật văn hóa Chăm ở Quỳ Hợp

  •  
  • 2.313

Có người cho rằng những cổ vật này chính là những đồng tiền cổ của người Chăm Pa.

Nhân một chuyến công tác vào vùng sâu của xã Châu Thái (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An), chúng tôi vô tình được ông Vi Văn Biến (85 tuổi, người dân tộc Thái, ở bản Cố, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) đưa cho xem những hiện vật rất lạ mà ông đã cất khá kỹ trong nhà của mình gần cả trăm năm nay rồi.

Theo ông Biến cho biết thì đó là những vật mà bố của ông để lại cho, và dặn phải giữ lấy, không được cho ai, không được bán đi, coi như "phúc" của nhà, không có nó “nhà cửa sẽ đầy tai họa và bất hạnh”.

Phát hiện cổ vật văn hóa Chăm ở Quỳ Hợp
Ông Vi Văn Biến đang khoe các hiện vật cổ của mình với khách

Sau khi xem kỹ và theo hiểu biết tuy còn rất hạn chế, nhưng chúng tôi đã vô cùng sửng sốt vì chợt phát hiện đây là những cổ vật mang đậm phong cách văn hóa Chăm! Các cổ vật có hình bầu dục, đường kính từ 5 - 7cm, bề dầy khoảng 1,5 - 2cm, trọng lượng khá nhẹ so với kích thước.

Chất liệu chế tác là một hỗn hợp của nhựa cánh kiến, sáp ong và kết hợp một số hợp chất khác có màu đen bóng của sừng, khá bền, nhẹ, khó cháy và không thấm nước.

Hai mặt của các cổ vật đều được khắc chạm những hình tượng khác nhau, từ hình tháp Chăm (thuộc dạng Tháp Mẫm ở Bình Định, thế kỷ thứ 12-14), cho đến hình tượng chữ viết dạng Sanskrit… và đặc biệt là hình tượng thần GaJasimha (đầu voi, mình ngựa), đây là linh vật lưỡng hợp mạnh mẽ, vô song, kết hợp sức mạnh của sư tử (là hóa thân của thần Vishnu) và ngựa của thần Indra - một loại hình khá phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc Chăm!

Phát hiện cổ vật văn hóa Chăm ở Quỳ Hợp
Hình tượng linh vật đầu voi, mình ngựa

Nghệ An là tỉnh có khoảng cách khá xa với quốc gia Chăm Pa xưa (chỉ tính riêng từ Bình Định trở vào) nên những yếu tố liên quan đến “văn hoá Chăm Pa - Óc Eo” là rất khiêm tốn.

Ở Nghệ An các cổ vật của văn hoá Chăm Pa rất hiếm gặp, nhưng vẫn có. Những tác phẩm điêu khắc Chăm thường mang ý nghĩa tôn giáo, được khắc tạc theo những câu chuyện của thần thoại Ấn Độ. Nghệ thuật tạo hình thiên về những con thú trong huyền thoại, trong đó con voi là hình tượng rất phổ biến.

Hình tượng linh vật với tên gọi là Ganesa có nghệ thuật tạo hình là đầu voi mình người. Ganesa là một vị thần Ấn Độ giáo được tôn sùng phổ biến. Theo một giai thoại, Ganesa là vị thần tùy hành của thần Silva, do thần Silva tạo từ ngọn lửa thần trên trán của mình mà thành.

Ganesa được vợ của Silva tạo tác, vì gặp sự cố nên cái đầu rụng mất, được thần Vishnu chắp cho một cái đầu voi, cho nên thần được thể hiện mình người đầu voi. Thần là hiện thân sự thông minh và trí tuệ của thần Silva.

Người ta coi Ganesa là vị phúc thần, ban nhiều điều tốt lành, vì vậy mà ngoài người Chăm, vị thần này còn được nhân dân nhiều nơi ở các nước châu Á tôn thờ như ở Giava, Tây Tạng và Ấn Độ…

Phát hiện cổ vật văn hóa Chăm ở Quỳ Hợp
Hình tượng GaJasimha (đầu voi, mình ngựa)

Hình tượng linh vật mà chúng tôi phát hiện được tại nhà ông Vi Văn Biến ở bản Cố, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) có tên gọi là Gajasimha, nghệ thuật tạo hình là đầu voi mình sư tử (hoặc mình ngựa): Đây là linh vật lưỡng hợp mạnh mẽ vô song, kết hợp sức mạnh của sư tử hoặc ngựa chiến (hóa thân của thần Vishnu) và voi của thần Indra.

Trong nghệ thuật điêu khắc Chăm, loại hình này khá phổ biến. Những hình chạm linh vật Gajasimha này mang phong cách Tháp Mẫm của Bình Định ở thế kỷ 12- 14.

Phát hiện cổ vật văn hóa Chăm ở Quỳ Hợp
Ký tự thuộc dạng chữ Sanskrit

Phát hiện cổ vật văn hóa Chăm ở Quỳ Hợp
Hình tượng tháp Chăm

Được biết, trên dải đất Việt Nam ngày nay, vào thời xưa, đã từng tồn tại ba quốc gia: Về đại thể thì miền Bắc là lãnh thổ của Đại Việt (đặc trưng là văn hoá Đông Sơn), miền Trung là địa bàn của vương quốc Chăm Pa (đặc trưng là văn hoá Chăm Pa) và miền Nam là một phần lãnh thổ của vương quốc Phù Nam (đặc trưng là văn hóa văn hoá Óc Eo).

Vào thời ấy cương vực, bờ cõi, biên giới giữa các quốc gia cổ đại luôn là vấn đề không bao giờ rành mạch rõ ràng.
Vương quốc Chăm Pa (Champapura/Nagara Champa), hay còn gọi là Chiêm Thành, là một quốc gia độc lập, tồn tại từ khoảng thế kỷ thứ 6 (sau CN) trên phần đất ngày nay thuộc miền Trung Việt Nam.

Văn hóa Chăm Pa chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, Campuchia và Ấn Độ , đã từng phát triển rực rỡ với những đỉnh cao là phong cách Đồng Dương (Thế kỷ 9 - 10) và phong cách Mỹ Sơn A1 (thế kỷ 10 - 11) mà nhiều di tích đền tháp và các công trình điêu khắc đá, các hiện vật có hình linga… vẫn còn tồn tại đến ngày nay, cho thấy ảnh hưởng của Ấn Độ giáo và Phật giáo là hai tôn giáo chính của chủ nhân vương quốc Chăm Pa xưa. Năm 1471, Chăm Pa bị các chúa Nguyễn thôn tính và sáp nhập vào Việt Nam!

Theo Trithutre
  • 2.313