Sáng ngày 2/2, Hà Nội có một lớp sương mù bao phủ dày đặc, không chỉ gây khó khăn cho việc di chuyển mà còn có thể tác động lớn tới sức khoẻ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sương mù là một trong số hơn 20 loại hình thiên tai thường gặp ở Việt Nam. Sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát bề mặt Trái đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1 km.
Nguyên nhân xuất hiện sương mù là do sự chênh lệch về độ ẩm và nhiệt độ của không khí. Vào mùa Đông, nhiệt độ không khí thấp và độ ẩm không khí cao, tốc độ gió rất yếu, thậm chí không có gió. Đây là 3 yếu tố quan trọng để hình thành sương mù.
Sương mù ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe?
PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết sương mù có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ. Khi có sương mù, độ ẩm trong không khí tăng cao, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus phát triển.
Sương mù làm tầm nhìn giảm thấp tại Khu đô thị Thanh Hà vào lúc 7h30 ngày 2/2. (Ảnh: N.M)
Đặc biệt, sương mù diễn ra vào dịp cận Tết, nhu cầu tập trung đông người, đi lại cao nên có nguy cơ lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp.
"Độ ẩm không khí cao sẽ ảnh hưởng lớn tới người có vấn đề về xương khớp, tim mạch, người mắc bệnh lý nền… rất dễ xảy ra những đợt khởi phát bệnh cấp tính phải nhập viện", PGS Phu cho hay.
Cũng theo ông Phu, ngoài nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm và khởi phát bệnh mạn tính, hiện tượng sương mù còn tăng khả năng lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí.
"Thời tiết sương mù, khí bụi ô nhiễm không bay lên cao được. Đặc biệt, dịp cận Tết nhu cầu đi lại nhiều, khí độc từ các phương tiện giao thông tích tụ lại. Ngoài ra, bụi mịn cũng tăng lên… Nếu không may hít phải khí độc, bụi mịn sẽ nguy hại lớn cho sức khoẻ, dễ mắc các bệnh nguy hiểm đến đường hô hấp, xương, khớp", PGS Phu nói.
Bảo vệ sức khỏe ngày sương mù
Theo vị chuyên gia, để giảm nhưng tác hại của hiện tượng sương mù dày đặc, người dân cần phải có các biện pháp phòng ngừa kịp thời như:
- Hạn chế ra đường quá sớm vào buổi sáng, nhất là các đối tượng trẻ nhỏ, người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai. Trường hợp cần phải di chuyển ra khỏi nhà thì nên đợi tan bớt sương mù để các chất độc trong không khí đã bay lên cao.
- Khi di chuyển ngoài đường nên sử dụng khẩu trang y tế để ngăn chặn khí độc trong sương.
- Trong nhà cần phải hút ẩm, mở điều hoà chế độ sưởi để hạn chế vi khuẩn, virus sinh sôi gây bệnh cho gia đình.
- Không tập luyện thể dục thể thao ngoài trời vào buổi sớm khi có sương mù dày đặc.
- Cần đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh hô hấp để tránh trở nặng và nguy hiểm.
- Người có vấn đề xương khớp, bệnh mạn tính cần chú trọng tới sức khoẻ, khi có dấu hiệu cần đi tới cơ sở y tế khám ngay.
- Giữ ấm cơ thể để đảm bảo nguồn nhiệt.
- Thực hiện vệ sinh cá nhân thường xuyên, đảm bảo bổ sung đủ dinh dưỡng.
- Người dân không phơi quần áo ngoài trời qua đêm.
- Thực hiện việc là quần áo để tiêu diệt nấm mốc bám trên áo quần.
Sương mù là gì? Tại sao có sương mù?
Bí ẩn kỳ dị, không thể giải thích trên hòn đảo hoang: Liên Xô giải mã nhưng không thành