Trong vài ngày qua, hiện tượng sương mù dày đặc đã bao trùm một số bang phía bắc và phía đông Ấn Độ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm nhìn.
Theo Hindustan Times, tầm nhìn 0 mét thậm chí đã được ghi nhận ở một số thành phố khi sương mù dày đặc diễn ra trong hai ngày 14-15/1. Tình trạng này có thể kéo dài trong 2-3 ngày tới.
Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) đã đưa ra cảnh báo trước dạng thời tiết cực đoan này, đồng thời lưu ý về tình trạng sóng lạnh xảy ra ở nhiều bang, với nhiệt độ dao động trong khoảng 3-7 độ C.
Sương mù dày đặc diễn ra ở nhiều bang phía Bắc Ấn Độ khiến đời sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. (Ảnh: Reuters).
Theo Flightradar24, sương mù dày đặc đã làm gián đoạn ít nhất 463 chuyến bay rời khỏi thành phố Delhi trong ngày 15/1, và 500 chuyến bị hoãn vào ngày trước đó.
Cùng với đó, đời sống sinh hoạt tại những khu vực chịu ảnh hưởng bởi sương mù cũng đã bị đảo lộn, giao thông ngưng trệ, người dân không thể ra ngoài đường vào buổi sáng vì họ "chẳng nhìn thấy gì".
Các nhà khí tượng học giải thích rằng nguyên nhân dẫn đến sương mù dày đặc gồm các yếu tố sau: ít gió, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao và các vật chất ô nhiễm đóng vai trò là bề mặt để ngưng tụ.
Theo đó, sự hiện diện của các chất ô nhiễm sẽ làm tăng thêm đáng kể điều kiện sương mù.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã xác định PM2.5 (các hạt vật chất hoặc các hạt khí dung có đường kính dưới 2,5 micromet) là chất gây ô nhiễm chính, đồng thời là nguyên nhân gây ra tình trạng khói mù và hình thành sương mù trên đồng bằng Indo-Hangetic, bao gồm cả Delhi.
Vào năm 2021, một nghiên cứu từ Viện Công nghệ Madras (IIT-M) cũng đã phát hiện ra rằng việc đốt rác thải nhựa là nguyên nhân chính gây ra khói mù và hình thành sương mù ở miền bắc Ấn Độ.
Nghiên cứu giải thích rằng các phản ứng hóa học phức tạp liên quan đến axit clohydric (HCl), được thải trực tiếp vào khí quyển qua quá trình đốt chất thải nhựa và một số quy trình công nghiệp là nguyên nhân chính tạo ra hàm lượng clorua PM2.5 cao.
Lượng HCl này sau đó phản ứng với lượng amoniac dư thừa trong khí quyển để tạo thành dạng hạt amoni clorua (NH4Cl), dẫn tới sự hình thành khói mù và sương mù.
Kiểu thời tiết này càng dễ xuất hiện trong những đêm đông lạnh giá, vì không khí lạnh khiến các chất ô nhiễm không thể bị đẩy lên cao hơn trong khí quyển, mà ngược lại, sẽ tích tụ nhiều hơn ở gần mặt đất.
Ngoài ra, điều kiện gió chậm, ít gió, kết hợp cùng độ ẩm cao đặc trưng ở miền Bắc Ấn Độ cũng là yếu tố lý tưởng để xảy ra sương mù.
Trên thực tế, hiện tượng sương mù dày đặc đã xuất hiện từ nhiều năm trở lại đây ở Ấn Độ, nhưng ngày càng có dấu hiệu trầm trọng hơn do kết hợp từ các yếu tố biến đổi khí hậu.