Viện nghiên cứu Karrolinska của Thụy Điển phối hợp với nhiều bệnh viện và các công ty dược phẩm sẽ tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên trực tiếp tiêm tế bào gốc lên các bào thai có nguy cơ mắc bệnh xương thủy tinh vào đầu năm tới.
Thử nghiệm tiêm tế bào gốc phòng chống xương thủy tinh vào năm tới
Tế bào gốc là các tế bào mầm hay tế bào nền móng giúp tạo ra toàn bộ những tế bào khác trong cơ thể con người, đảm bảo hoạt động toàn diện của các cơ quan trong cơ thể như não bộ, tim, thận...
Theo giới nghiên cứu, việc tiêm tế bào gốc sẽ giúp củng cố cấu trúc xương còn non nớt có thể bị tổn thương của thai nhi trước khi chào đời.
Trước mắt, các nhà khoa học sẽ tiêm thử nghiệm cho 15 thai nhi và một nhóm khác gồm 15 trẻ sơ sinh, với các tế bào gốc có thể tăng mức tiết dịch sụn khớp collagen - một protein quan trọng giúp xương chắc khỏe.
Ảnh minh họa. (Nguồn: imgur.com).
Theo chuyên gia Cecilia Gotherstrom thuộc Viện nghiên cứu Karolinska, trước đây một số ít trẻ nhỏ mắc bệnh xương thủy tinh đã từng được thử nghiệm cấy tế bào gốc.
1/3 trẻ sáu tuổi mắc chứng bệnh này cũng đã được điều trị dưới sự phối hợp của các nhà nghiên cứu tại Singapore và Đài Loan (Trung Quốc).
Tất cả đều cho những kết quả tích cực, nhờ đó giảm hẳn tình trạng gãy xương. Tuy nhiên, việc cấy tế bào gốc thường không phát huy tác dụng lâu dài đối với nhóm người cao tuổi.
Trẻ mắc bệnh xương thủy tinh thường xuyên phải đối mặt với tình trạng gãy xương, dẫn tới tàn tật, thậm chí có nguy cơ chết yểu.
Ngoài ra, các khung xương sườn dị dạng cũng trở thành nguyên nhân khiến răng mẻ và xỉn màu, làm mất khả năng nghe và khiến việc hô hấp trở nên khó khăn, mà hiện chưa có biện pháp nào để chữa trị.
Theo thống kê, trung bình cứ 25.000 nghìn người châu Âu sẽ có một người mắc bệnh xương thủy tinh do thiếu hụt một mã gene di truyền mà gene này làm tiết ra dịch sụn khớp collagen.
Nếu thành công, cuộc thử nghiệm này sẽ mở ra tia hy vọng làm giảm chứng bệnh xương thủy tinh cho trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ, giúp trẻ có một tương lai khỏe mạnh hơn.