Các nhà khoa học đã tạo ra được một dạng tế bào gốc của người bằng cách kích thích trứng chưa thụ tinh, thay vì từ phôi. Thành tựu này mở ra triển vọng mới trong việc sản xuất các mô để cấy ghép an toàn cho phụ nữ.
Với bước tiến y học quan trọng này, trong tương lai, nếu một người phụ nữ cần cấy ghép để trị bệnh, như bệnh tiểu đường hay chấn thương cột sống, thì người đó có thể cung cấp trứng cho các chuyên gia để tạo ra mô cấy ghép mà không sợ bị đào thải bởi cơ thể người phụ nữ đó.
Để tạo ra các mô tương thích với cơ thể của người bệnh về mặt di truyền, một số nhà khoa học đã cố gắng xây dựng một qui trình gọi là nhân bản liệu pháp (therapeutic cloning), trong đó DNA lấy từ bệnh nhân sẽ được đưa vào bên trong trứng chưa thụ tinh, từ đó một phôi sẽ được tạo ra và các bác sĩ sẽ thu được tế bào gốc từ phôi. Nhưng cho đến nay, chưa có ai thực hiện qui trình này trên con người.
Các nhà khoa học đã tạo ra được tế bào gốc của người từ trứng, thay vì từ phôi. (Ảnh: BBC) |
Nhưng tiến trình tạo ra tế bào gốc như thế sẽ phá hủy phôi người – đó là điều mà nhiều người phản đối vì cho rằng như thế là phi đạo đức. Trong khi đó, nghiên cứu mới này cố gắng tạo ra tế bào gốc phôi người theo một hướng đi khác: kích thích trứng chưa thụ tinh của một phụ nữ để tạo ra sự phát triển phôi.
Theo nhóm nghiên cứu, sự phát triển này không kéo dài đủ lâu để có thể tạo nên bào thai, mà chỉ đủ để sản sinh ra tế bào gốc tương thích với người cho trứng về mặt di truyền. Và tất nhiên là phương pháp này không thể tạo ra được tế bào gốc phù hợp với nam giới.
Nghiên cứu này do các chuyên gia của Công ty Lifeline Cell Technology – LLC (Hoa Kỳ) thực hiện, với sự cộng tác của các nhà khoa học đến từ Moscow, Nga.
Chủ tịch LLC, ông Jeffrey Janus – thành viên nhóm nghiên cứu – cho rằng tế bào gốc được tạo ra theo phương pháp này không chỉ thích hợp với người cho trứng, mà vẫn có thể áp dụng cho những người khác, nếu các liệu pháp chống thải ghép được sử dụng kết hợp. Theo ông, điều đó cũng giống như trong trường hợp sử dụng những dòng tế bào gốc được tạo ra từ phôi người.
Ông Janus và các cộng sự cho biết đã tạo ra được 6 dòng tế bào gốc phôi người, trong đó có 1 dòng có những bất thường về nhiễm sắc thể. Để tạo ra những tế bào gốc này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng trứng được cung cấp tự nguyện bởi 6 người phụ nữ áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Ông Kent Vrana, thuộc Trường Đại học bang Pennsylvania (Hoa Kỳ), người đã thực hiện một nghiên cứu tương tự trên khỉ, cho rằng phương pháp này cung cấp một “công cụ bổ sung” bên cạnh nhân bản liệu pháp.
Nhận xét về nghiên cứu này, nhà khoa học George Daley, thuộc Viện Tế bào gốc Harvard, Hoa Kỳ, phát biểu: “Đây thật sự là một dạng mới của tế bào gốc. Nhưng điều mà chúng tôi băn khoăn là liệu những tế bào đó có khả năng giống như những tế bào gốc lấy từ phôi được thụ tinh bình thường hay không”.
Theo ông, một vấn đề nữa là việc thiếu sự đóng góp DNA của người cha có làm suy yếu hoạt động của tế bào gốc dạng này hay không. Ông giải thích: “Khác với những chỉ thị di truyền của DNA có trong trứng, những chỉ thị di truyền của DNA trong tinh trùng mang tính đặc thù, có ảnh hưởng đến hoạt động của những gien đặc trưng”.
Tế bào gốc phôi người (Ảnh: Science Daily) |
Ông nói: “Người ta sẽ thấy rằng đây chỉ là việc kích thích trứng chưa thụ tinh, và trứng đó tự thân nó không phát triển thành bào thai. Trường hợp này không phải là sử dụng phôi người, nên không thể có những đánh giá về mặt sinh học hay đạo đức. Do đó, đây là phương pháp tốt trong việc cung cấp tế bào gốc của người mà không gây ra sự phá hủy phôi”.
Nhưng Đức Cha Tad Pacholczyk, thuộc Trung tâm Đạo đức Sinh học Công giáo Quốc gia ở Philadelphia, Hoa Kỳ, lại có một ý kiến ngược lại. Ông nói: “Quan điểm của tôi là nếu trong những ngày đầu tiên, những tế bào gốc đó đã phát triển thành phôi, và rồi người ta lại chặn đứng sự phát triển đó, thì cũng sẽ giống như trường hợp một người có một thời gian sống rất ngắn ngủi vậy”.
“Người ta rất có thể sẽ liên tưởng tới một con người bị khuyết tật. Và dù không có chứng cớ để lên án, nhưng người ta sẽ nghi ngờ và cho rằng những phôi như thế không nên được tạo ra để rồi lại phá hủy chúng”.
Nghiên cứu mới này vừa được công bố trên ấn bản điện tử của The Journal of Cloning and Stem Cells (Tạp chí Nhân bản và Tế bào gốc) ở Hoa Kỳ.
Quang Thịnh