Thủ phạm khiến phi hành gia trạm ISS mất ngủ triền miên

Chu kỳ quay quanh Trái Đất quá nhanh khiến đồng hồ sinh học của các phi hành gia không kịp thích ứng, dẫn tới mất ngủ.

Các phi hành gia khi được đưa lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) quay quanh quỹ đạo Trái Đất với vận tốc hơn 28.000km/h thường phải đối mặt với một vấn đề lớn, đó là họ bị mất ngủ triền miên, theo CNN.

Tình trạng khó ngủ và thiếu ngủ của phi hành gia trạm ISS nhiều khả năng xuất phát từ thực tế họ đón bình minh và hoàng hôn 90 phút một lần trên trạm.


Giấc ngủ trên trạm ISS của các phi hành gia. (Ảnh: NASA).

"Tốc độ này quá nhanh khiến đồng hồ sinh học của cơ thể không kịp thích ứng. Phi hành gia vì vậy lâm vào tình trạng mệt mỏi lệch múi giờ", Erin Flynn-Evans, giám đốc Phòng Thí nghiệm Ứng phó Sự Mệt mỏi của NASA, cho biết.

Khi những tín hiệu bên ngoài giúp con người đi vào giấc ngủ, như ánh sáng mặt trời, không còn giá trị, các phi hành gia có xu hướng thích nghi với chu kì ngủ 24,2 giờ thay vì 24 giờ như bình thường. "12 phút tuy có vẻ không nhiều, sau vài tuần, bạn sẽ ngủ muộn hơn nhiều giờ so với trước đó", Flynn-Evans giải thích.

Đồng hồ sinh học lỗi nhịp sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, suy nhược, gây ra nguy cơ lớn trong môi trường vũ trụ. "Chỉ một phím ấn nhầm cũng tạo nên khác biệt giữa sự sống và cái chết", Flynn-Evans nói.

Nghiên cứu cho thấy trung bình mỗi đêm phi hành gia có xu hướng ngủ từ 6 đến 6,5 giờ, ít hơn con số tối thiểu 7 giờ được Viện Y học về Giấc ngủ Mỹ khuyến cáo. Mỗi phi hành gia bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất ngủ ở cấp độ khác nhau.

Sử dụng công nghệ đồng hồ đeo tay đo giấc ngủ và ánh sáng, mũ ghi tín hiệu điện não và cánh tay robot, phòng thí nghiệm của Flynn-Evans hy vọng có thể tìm ra giải pháp giúp phi hành gia duy trì hoạt động ngủ khỏe mạnh.


Phi hành gia Chris Hadfield giới thiệu về cách ngủ trên ISS năm 2013.

Để đồng nhất nhịp sinh học của phi hành đoàn, NASA đã lắp đặt đèn LED xanh nước biển trên ISS, loại ánh sáng có thể giúp những người bị lệch đồng hồ sinh học duy trì sự tỉnh táo khi làm việc. Tuy nhiên, Flynn-Evans cho rằng ánh sáng xanh này có thể khiến các phi hành gia khó có giấc ngủ ngon.

Theo Flynn-Evans, một nguyên nhân nữa khiến các phi hành gia rơi vào trạng thái mất ngủ chính là sự hào hứng khi tham gia sứ mệnh hay mong muốn ngắm Trái Đất từ trạm ISS.

Cập nhật: 06/06/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video