Thông qua những ghi chép, công trình nghiên cứu sử học, ngày nay chúng ta có một bức tranh sinh động, thú vị, đầy hấp dẫn về thuế - thứ hữu hiệu phản ánh thực trạng một xã hội.
Thuế là thứ bất di bất dịch trong mọi xã hội của loài người từ khi nền văn minh đầu tiên xuất hiện ở vùng Lưỡng Hà. Tuy nhiên, thuế cũng muôn hình vạn trạng qua nhiều thế kỉ. Thuế áp dụng cho hầu hết mọi thứ và có thể được trả bằng hầu hết mọi thứ. Mới đây, tờ National Geographic điểm danh một số hình thức thuế kỳ quặc.
Những sắc thuế đầu tiên
Theo National Geographic, thuế đã tồn tại từ rất lâu, thậm chí còn trước cả tiền xu. Thuế có thể được áp cho hầu hết mọi thứ và cũng có thể được trả bằng hầu hết mọi thứ.
Ở Lưỡng Hà cổ đại, tính linh hoạt này đã dẫn đến một số cách trả thuế khá kỳ lạ. Ví dụ, thuế chôn cất một thi thể trong mộ là "bảy thùng bia, 420 ổ bánh mỳ, hai giạ lúa mạch, một chiếc áo choàng len, một con dê và một chiếc giường - có lẽ là dành cho người chết" - theo nhà sử học Tonia Sharlach của Oklahoma State.
"Khoảng năm 2000-1800 trước Công nguyên, có một ghi chép về một người đàn ông đã trả thuế bằng 18.880 cây chổi và sáu khúc gỗ" - Sharlach nói thêm.
Việc đóng thuế bằng hiện vật cũng giúp một số người gian lận: Một người tuyên bố rằng anh ta không có bất kỳ tài sản nào ngoại trừ những chiếc cối xay cực nặng. Vì thế, anh ta đã bắt người thu thuế mang chúng đi như khoản đóng thuế của mình.
Hệ thống thuế của nền văn minh Ai Cập cổ đại
Ai Cập cổ đại là một trong những nền văn minh đầu tiên có hệ thống thuế có tổ chức. Hệ thống này được phát triển vào khoảng năm 3000 trước Công nguyên, ngay sau khi Hạ Ai Cập và Thượng Ai Cập được thống nhất bởi Narmer - vị Pharaoh đầu tiên của Ai Cập .
Những người cai trị đầu tiên của Ai Cập rất quan tâm đến thuế. Họ cùng đoàn tùy tùng đi khắp đất nước để đánh giá tài sản của thần dân - dầu, bia, đồ gốm, gia súc và mùa màng - và sau đó thu thuế từ họ.
Sự kiện thường niên này được gọi là Shemsu Hor. Trong thời kỳ Vương quốc Cổ đại, thuế thu được đủ để xây dựng các dự án dân sự lớn, như các kim tự tháp ở Giza.
Hệ thống thuế của Ai Cập cổ đại đã phát triển trong suốt 3.000 năm lịch sử và trở nên tinh vi hơn theo thời gian. Trong thời kỳ Tân Vương quốc (năm 1539-1075 trước Công nguyên), các quan chức chính phủ đã tìm ra cách đánh thuế người dân dựa trên những gì họ kiếm được trước cả khi họ kiếm được, nhờ vào một phát minh gọi là máy đo mực nước sông Nile.
Thiết bị này được dùng để tính mực nước của sông Nile trong trận lũ hằng năm. Thuế sẽ ít hơn nếu mực nước quá thấp - điều báo trước hạn hán và mùa màng thất thu. Mực nước cao báo hiệu mùa màng bội thu, nghĩa là thuế sẽ cao hơn.
“Thuế nước tiểu” của người La Mã
Người La Mã cổ đại rất đề cao nước tiểu vì hàm lượng amoniac chứa trong nó. Đối với họ, nước tiểu chính là một chất làm sạch đa công dụng, có thể dùng cho nhiều mục đích như giặt vò quần áo hay làm sạch răng. Và giống như nhiều sản phẩm có giá trị khác, nước tiểu cũng được liệt vào danh sách bị đánh thuế dù cho không ít người La Mã giàu có xem thường sự ô uế này.
Nhà vệ sinh công cộng trong đấu trường La Mã. (Ảnh: Jose Louiz Bernardes Ribeiro).
Giai thoại dưới đây được kể lại bởi sử gia Suetonius vào khoảng năm 120 thông qua cuốn sách nổi tiếng của mình Mười hai hoàng đế La Mã. Hoàng đế Vespasian (trị vì từ năm 69 - 79) kiếm được một khoản tiền lớn nhờ đánh thuế buôn bán nước tiểu thu từ các nhà vệ sinh công cộng. Khi Titus - con trai của ông - trách cứ cha mình vì áp thuế với nước tiểu, ông đã lấy một đồng tiền thu từ mẻ đánh thuế nước tiểu đầu tiên, đưa vào mũi con trai và hỏi: “Có mùi khai không con?”. Ngay khi Titus nói “Không”, hoàng đế đáp lại: “Thu được từ nước tiểu đấy”.
Râu tóc xồm xoàm sẽ bị đánh “thuế râu”
Quy định nghe có vẻ kì quặc này được ban hành bởi vua Henry VIII của nước Anh vào năm 1535. Khoản phí sẽ tăng lên liên quan tới địa vị xã hội của người để râu. Do đó một quý tộc sở hữu râu chắc chắn sẽ bị thu thuế nhiều hơn một đàn ông thường dân. Vua Henry VIII, lẽ dĩ nhiên, được miễn trừ phải nộp phạt dù cho ông cũng mang một bộ râu dài.
Sa Hoàng Peter Đại đế của Nga, người tiến hành cuộc cải cách “phương Tây hóa” giúp nước Nga bước vào hàng ngũ liệt cường châu Âu, cũng từng ban hành thuế đánh vào người có râu vào năm 1698. Peter có xu hướng thân phương Tây cho rằng sự phổ biến của bộ râu phong cách Nga tiêu biểu cho tính chất trì trệ, bảo thủ của đất nước. Các quý ông sở hữu bộ râu phải nộp một khoản chi phí đáng kể và được yêu cầu mang theo một thứ cấp sắc đặc biệt để chứng minh rằng mình đã mua quyền được duy trì bộ râu.
Những người đã đóng thuế cũng được yêu cầu mang theo các “chứng nhận râu” bất cứ nơi nào họ đến để chứng minh rằng họ đã đóng thuế cho đặc quyền này. Thuế râu của Peter Đại đế không tồn tại lâu. Catherine Đại đế đã bãi bỏ nó vào năm 1772.
Khoản “thuế máu” nặng nề tại đế chế Ottoman
Trong công trình có tên Vai trò kinh tế và xã hội của Janassary ở thành thị của Ottoman thế kỉ 17: Trường hợp Istanbul (2011), nhà sử học Gulay Yilmaz đã cung cấp cho chúng ta thông tin về một loại thuế đặc biệt của người Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà cai trị của đế chế Ottoman đã buộc những thần dân không theo Hồi giáo trong lãnh thổ đế chế phải đóng một khoản thuế cho thứ mà họ coi là thân thương nhất - những đứa trẻ. Đó là thứ “thuế máu” nổi tiếng từng gây nên nỗi khiếp sợ trong các gia đình vùng Balkan dưới ách cai trị Hồi giáo.
Từ đầu thế kỉ 15 đến cuối thế kỉ 17, quan chức địa phương của Ottoman định kì tiến hành tách những thanh thiếu niên Cơ Đốc giáo khỏi gia đình của họ, đưa chúng tới sống dưới quyền cai trị của người Ottoman, buộc chúng cải sang đạo Hồi rồi bàn giao lại cho triều đình của Sultan. Các thanh niên phải trải qua khóa huấn luyện quân sự kéo dài 5-8 năm đồng thời làm việc cho nhà nước tại các xưởng, trang trại, tàu thuyền, công trường xây dựng (hệ thống Devshirme).
Gulay Yilmaz khẳng định: “Tất nhiên, họ cũng trở thành nền tảng cho lực lượng quân đội Janassary tinh nhuệ của đế chế. Và giới tinh hoa trong bộ máy hành chính quan liêu của đế chế cũng phần lớn xuất phát từ những thanh niên đó, những người được trưng tập và tăng cường trau dồi tri thức bởi một nền giáo dục đặc biệt trong các cung điện trước khi trở thành viên chức hành chính nhà nước”.
Thanh thiếu niên Cơ Đốc giáo (áo đỏ) phục vụ tại đế chế Ottoman.
Ít nhất thì các thanh niên trẻ tuổi còn được miễn thuế vì sự phục vụ của họ cho đế chế. Những người được chọn làm Devshirme không phải trả khoản tiền gọi là cizye - tức thuế thân đánh vào mỗi người đàn ông Cơ Đốc trưởng thành.
Vui lòng nộp bia, chổi và các viên đá!
Thuế từng tồn tại rất lâu dài. Chúng có trước cả các đồng tiền xu đầu tiên.
Ở Lưỡng Hà cổ đại, có một số cách trả tiền thuế kì quái. Chẳng hạn, thuế chôn cất tử thi trong mộ được trả bằng “7 thùng bia, 420 ổ bánh mì, 2 giạ lúa mì, 1 áo choàng len, 1 con dê và 1 cái giường có lẽ dành cho người chết”, theo sử gia về Trung Cận Đông cổ đại Tonia Sharlach trong cuốn sách Thuế địa phương và nhà nước của vương triều Ur IIIxuất bản 2004.
Khoảng 2000 - 1800 năm TCN, có ghi chép về một anh chàng đã trả 18.880 cây chổi và sáu khúc gỗ. Sharlach nói thêm “Đó phải là một vài kiểu thỏa hiệp nông dân - chính quyền, cách mà nông dân cung cấp hàng hóa thiết yếu cho chính quyền”.
Việc sáng tạo ra một vài hình thức thanh toán bằng hiện vật cũng giúp nhiều người gian lận thuế. Theo Sharlach: “Trong một trường hợp khác, một người đàn ông tuyên bố anh ta không sở hữu bất cứ một tài sản nào ngoại trừ chiếc cối xay lúa. Và anh ta buộc nhân viên thu thuế phải vác chiếc cối đó đi như một hình thức đóng thuế”.
“Thuế với ngực phụ nữ”: Khinh miệt đẳng cấp ở Ấn Độ
Giữa vô số những thứ thuế lạ kì nhất có một loại thuế gọi là mulakkaram - “thuế với ngực phụ nữ”. Nó từng được ban hành bởi các nhà cai trị tại Kerala, miền nam Ấn Độ vào đầu thế kỉ 19. Phụ nữ phải trả tiền thuế nếu như họ muốn che phần nhạy cảm của cơ thể tại nơi công cộng. Và loại thuế nhằm vào thể diện đó là gánh nặng tài chính đối với phụ nữ đẳng cấp thấp (Avarna) ở những nơi nó được triển khai.
Thứ thuế vô lí đó đã gây ra hành động phản kháng có tính huyền thoại. Mặc dù tính chân xác của sự thật thường khó kiểm chứng nhưng có một câu chuyện được lan truyền ở thị trấn Cherthala nơi sinh sống của một phụ nữ có tên Nangeli. Không có khả năng đóng tiền thuế cũng như bị thúc ép phải nộp thuế, Nangeli đã cắt đứt bộ ngực của mình để trả cho kẻ thu thuế trước sự kinh ngạc. Cô đã phải trả giá bằng mạng sống của chính mình, tuy nhiên sắc luật khủng khiếp đã bị bãi bỏ từ khởi nguyên của hành động này.
Toàn bộ câu chuyện không được ghi lại trong biên niên sử chính thức của Kerala cho tới khi cuốn sách của nhà nghiên cứu Subhrashis Adhikari có tên Hành trình của những người sống sót: Lịch sử 70.000 năm của Tiểu lục địa Ấn Độ xuất bản năm 2016 nhắc lại nó.
Ý tưởng thông minh - một cách để xá miễn thuế suốt đời
Tại đế quốc Maurya của Ấn Độ (khoảng 321-185TCN) người ta từng tổ chức một cuộc thi về ý tưởng thường niên, người thắng cuộc sẽ nhận được sự xá miễn thuế. Chính quyền trưng cầu sự giúp sức của người dân về mặt ý tưởng để giải quyết các vấn đề khó khăn của chính họ. Nếu giải pháp bạn đưa ra được chấp nhận và thực hiện, bạn sẽ không phải đóng thuế trong suốt phần đời còn lại.
Nhà văn, lữ khách, đại sứ của vương triều Seleucid (thể chế Hy Lạp - Ba Tư thời hậu Alexander Đại đế) là Megasthenes (khoảng 350-290 TCN) đã ghi chép về chuyện đáng kinh ngạc này trong cuốn sách Indica (Ấn Độ) của mình.
Giống như hầu hết nỗ lực cải cách thuế, hệ thống này không được hoàn hảo. Theo sử gia Sharlach: Vấn đề nằm ở chỗ, không ai có đủ động lực để giải quyết nhiều hơn một vấn đề.
Ngày nay, lịch sử của thuế cũng như những hình thái tồn tại của nó vẫn tiếp tục là chủ đề được quan tâm bởi nhiều sử gia trên thế giới do tính hữu dụng về mặt thông tin mà nó đem lại với công việc nghiên cứu.