Hầu hết những người đàn ông thời hiện đại đều thèm muốn được như người xưa có tam thê tứ thiếp. Nhưng họ lại không biết, thời cổ đại luôn có một sự thật đau lòng, chính là những nam nhân nghèo khổ sẽ không thể cưới được vợ.
Cổ nhân rất xem trọng người nối dõi, Mạnh Tử có viết: "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại", nghĩa là bất hiếu có 3 loại, không có hậu duệ nối dõi là điều bất hiếu lớn nhất. Từ đó có thể thấy rõ, thời cổ đại hoàn toàn không thể chấp nhận được chuyện không có con nối dõi.
Vậy thì những đàn ông nghèo khó ngày xưa không đủ khả năng cưới vợ thì làm thế nào để có người nối dõi tông đường?
Vào thời nhà Nguyên thịnh hành một chế độ gọi là "Điển hôn". "Điển" trong từ "Điển đáng", nghĩa là cầm cố, thế chấp. "Điển hôn" mang ý nghĩa là một cuộc hôn nhân cầm cố. Chế độ hôn nhân này xuất hiện lần đầu ở thời nhà Hán nhưng đến thời nhà Nguyên mới phổ biến hơn.
Điển hôn mang ý nghĩa là một cuộc hôn nhân cầm cố. (Ảnh minh họa).
Vì gia cảnh túng thiếu, một số người đàn ông sẽ đưa vợ mình vào tiệm cầm đồ và cầm cố như một món hàng. Người phụ nữ đó sẽ rời khỏi tiệm cầm đồ nếu có người đưa ra mức giá phù hợp. Khi cô về gia đình của người mới, cô sẽ đảm nhận mọi trách nhiệm của một người con dâu trong nhà như giặt giũ, nấu nướng, quét nhà, gánh nước, đồng thời còn thực hiện nghĩa vụ nối dõi tông đường.
Mặc dù "Điển hôn" chỉ là một cuộc hôn nhân tạm thời nhưng cũng rất chú trọng vào các nghi lễ. Ngoài ra, "Điển hôn" còn bao gồm quá trình lập một "hợp đồng hôn nhân", trên hợp đồng ghi rõ thời gian, tiền thế chấp và giao kèo giữa các bên liên quan.
Thời gian "thuê" vợ thường từ 3 đến 5 năm và giá "thuê" tùy thuộc độ tuổi của người vợ và thời gian "thuê". Họ không được phép gặp gỡ và chung sống với người chồng ban đầu của mình. Một khi hợp đồng được thiết lập thì không thể bị phá bỏ.
Vì nghèo khổ, một số người đàn ông sẽ đưa vợ mình vào tiệm cầm đồ để cầm cố như một món hàng. (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, sau khi sinh con, gia đình kia sẽ đưa người phụ nữ trở lại tiệm cầm đồ. Cô ấy sẽ tiếp tục ở đó, chờ một gia đình khác đến đưa đi. Cứ như thế, một vòng lặp xuất hiện không có điểm dừng. Những người phụ nữ ấy không chỉ không có quyền tự do cá nhân mà đến đứa bé mà họ đứt ruột đẻ ra cũng không còn là con của họ nữa. Đứa bé thuộc về gia đình đã từng đưa họ đi, thậm chí họ còn không có quyền đến thăm con mình.
Mặc dù chính quyền nhà Nguyên đã hạ lệnh cấm chế độ hôn nhân này nhưng nó vẫn thường xuyên diễn ra trong dân gian. Đến cuối thời nhà Thanh, chế độ "Điển hôn" vẫn không hoàn toàn bị xóa bỏ.
Vào thời cổ đại, chế độ hôn nhân này được xem là chuyện bình thường. (Ảnh minh họa).
Con người ngày nay xem chế độ hôn nhân này là hành vi đáng lên án nhưng vào thời cổ đại, họ xem đó là chuyện thường tình. Thời nhà Thanh, ở khu vực Giang Tô và Chiết Giang, người dân gọi "Điển hôn" là "Điển thủy diện", người dân Liêu Ninh gọi là "Đáp hỏa" còn người Cam Túc gọi đó là "Tựu thê".
Hủ tục này diễn ra trên khắp Trung Quốc thời điểm đó với nhiều tên gọi khác nhau nhưng đều mang một ý nghĩa là cho “thuê” vợ.
Ở khu vực thành phố Hà Châu, Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay cũng có một cụm từ được lưu truyền từ rất lâu “gửi bụng”. Trong tác phẩm "Chuyến du lịch Quảng Đông của Tiêu gia" của Trương Tâm Thái đã viết: "Tục lệ ở Quý Lĩnh, Hạ huyện (tên gọi cũ thành phố Hà Châu) là thô tục nhất, những người góa phụ còn trẻ, sống cô đơn một mình, vẫn còn khả năng sinh con, nếu được bất cứ người đàn ông nào thuê cũng không hỏi lại hai lời mà lập tức cho “gửi bụng”".
“Góa phụ ở Hạ huyện rất hiếm khi tái hôn, những người đàn ông không cưới được vợ hoặc vợ đã mất thường thuê những người phụ nữ như vậy để sinh con. Sau khi đứa bé được sinh ra thì hai bên cũng chính thức cắt đứt mọi quan hệ, đứa con sinh ra do người đàn ông nuôi dưỡng.”
Về sau, những hôn nhân giao dịch như vậy đã phát triển thành một quy trình tương đối hoàn chỉnh: bình thường sẽ thông qua mai mối, tìm hiểu, ký hợp đồng, thuê mướn, kết hôn, v.v ... Quan trọng nhất là việc ký kết hợp đồng. Hợp đồng ghi rõ thời gian, tiền thuê và các vấn đề khác của người “vợ” sắp thuê. Thời hạn trung bình từ 3 đến 5 năm, và giá thuê được xác định theo độ tuổi của người phụ nữ và thời gian thuê.
Những người thuê vợ sẽ đặt ra các điều kiện như phải có khả năng sinh sản, không được sống chung với người chồng cũ trong thời gian làm thuê, không được về nhà chăm con, v.v. trong hợp đồng.
Những người vợ bị cho thuê đã vi phạm bản chất con người và trên thực tế đã bị chính quyền nhà Thanh cấm.
Trong “Luật của nhà Thanh - hộ luật - hôn nhân” quy định: “Bất cứ ai trả tiền để thuê vợ hoặc thê thiếp của người khác về làm của mình sẽ bị phạt 80 trượng. Người cho thuê cũng bị phạt tương đương. Người vợ cho thuê nếu còn là con gái thì được phép trở về tự do kết hôn, nếu đã kết hôn thì được trở về nhà chồng cũ. Toàn bộ số tiền bạc, của cải trao đổi sẽ nộp về quốc khố. Những người không biết mà vẫn tiến hành thuê vợ cũng không thể tha, lập tức tiến hành ly hôn sau đó truy hồi tiền bạc.”
Tuy nhiên, trong "Giới thiệu sơ lược về luật pháp và quy định của triều đại nhà Thanh · Hôn nhân hộ gia đình" lại giải thích thêm: "Những gia đình giàu có vẫn có thể thuê vợ hoặc thiếp những người nghèo để làm nô tì, phục vụ trong gia đình. Pháp luật không hạn chế những việc như vậy.”
Việc này đồng nghĩa với chuyện, nếu những gia đình giàu có thuê vợ hoặc thê thiếp của gia đình khác nhằm mục đích lao động sẽ không bị phạt. Miễn là có hợp đồng, nhà nước sẽ không soi xét thực tế có đúng như vậy hay không. Điều này cũng tương đương với việc chấp nhận việc “thuê vợ” và cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến hiện tượng này trong thời nhà Thanh gia tăng chóng mặt.
Chế độ hôn nhân này không những thiếu tôn trọng phụ nữ mà còn hủy đi nhân tính. Nó thể hiện sự bất lực của những kẻ nghèo hèn cũng là bi kịch của người phụ nữ thời cổ đại. Đối với những kẻ dám dùng vợ mình đổi lấy tiền bạc, e rằng khi người vợ về già cũng sẽ không được đối xử tốt.