Cá nhám là loài cá sụn cỡ vừa và lớn, sống ở biển. Nhiều loài được dùng làm thuốc như cá nhám góc (Squalus brevirostris Tanaka, họ Squalidae), cá nhám hổ hay cá nhám vằn (Heterodontus zebra Gray, họ Heterodontidae), cá nhám voi hay cá nhám khổng lồ, cá mập voi (Cetorhinus maximus Gunther, họ Cetorhinidae).
Các loài cá nhám thường được khai thác để lấy gan làm dầu cá, nhất là cá nhám voi và cá nhám kình.
Trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, cá nhám được dùng với tên là sa ngư gồm các bộ phận như: thịt, gan, da và vây.
Gan cá nhám chiếm 10-15% trọng lượng cơ thể cá, chứa khoảng 50% dầu có hàm lượng vitamin A và D cao hơn dầu gan cá thu. Dược liệu có vị đắng, tính bình, không độc, có tác dụng chống hư lao, bổ can tạng, làm sáng mắt. Gan cá nhám nấu với lá dâu non hoặc lá bìm bìm non, ăn chữa được quáng gà. Dùng 5-7 ngày. Dầu gan cá nhám uống theo giọt có tác dụng bổ dưỡng, mạnh xương như dầu gan cá thu.
Da cá nhám để tươi hoặc phơi khô, nấu với nước và ít muối cô cho đặc, dùng bôi hàng ngày chữa ngón tay sưng đau, kẽ tay lở ngứa (Nam dược thần hiệu).
Vây cá nhám có vị ngọt, mặn, tính bình, có tác dụng ích khí, khai vị, được dùng dưới dạng thức ăn - vị thuốc hoặc dạng bột chữa tạng phủ hư lao, thần kinh bất ổn.