Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trong Báo cáo toàn cầu về tình trạng kháng thuốc điều trị sốt rét giai đoạn 2000-2010, công bố ngày 18/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo chỉ có 34% số nước có dịch sốt rét thực hiện kiểm tra định kỳ thuốc chống sốt rét như hướng dẫn của WHO.
Tình trạng kháng thuốc trị sốt rét ngày càng lan rộng, (Ảnh minh họa: Internet)
Cơ quan này yêu cầu các nước thận trọng hơn trong công tác kiểm tra để có thể sớm phát hiện tình trạng kháng thuốc trong điều trị chống sốt rét.
WHO cho biết Artemisinin hiện là loại thuốc điều trị sốt rét hiệu quả nhất, với tỷ lệ được chữa khỏi đạt hơn 90%. Tuy nhiên, tháng 2/2009, tình trạng kháng loại thuốc này đã xuất hiện ở khu vực biên giới giữa Campuchia và Thái Lan và hiện có những dấu hiệu cho thấy tình trạng kháng thuốc Artemisinin đã lan đến biên giới Thái Lan-Myanmar bất chấp nhiều nỗ lực ngăn chặn.
Điều này gây lo ngại rằng tình trạng kháng thuốc chống sốt rét có thể lan từ châu Á sang châu Phi, hiện tượng đã xảy ra đối với một số loại thuốc khác trong thập niên 1960-1970.
Giám đốc Chương trình chống sốt rét toàn cầu của WHO, bác sĩ Robert Newman nhấn mạnh việc kháng thuốc Artemisinin là "lời thức tỉnh thế giới" rằng cần ngăn chặn sự lan rộng tình trạng kháng thuốc này, bằng cách tăng cường kiểm tra và bảo vệ liệu pháp điều trị kết hợp trên cơ sở Artemisinin (ACT) như là phương pháp điều trị hiệu quả duy nhất đối với dịch sốt rét.
Giáo sư Nicholas White thuộc Trung tâm nghiên cứu Mahidol-Oxford ở Bangkok cho rằng kháng thuốc chống sốt rét cũng như căn bệnh ung thư, phải được phát hiện ở mọi cấp độ. WHO đang phối hợp xây dựng Kế hoạch toàn cầu ngăn chặn tình trạng kháng thuốc Artemisinin, dự kiến sẽ được công bố vào tháng 1/2011.