Tía tô đất (bạc hà chanh) có tên tiếng Anh là Lemon Balm (tên khoa học là Melissa officinalis), là một thành viên của họ bạc hà với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là thời điểm giao mùa.
Lợi ích của cây Tía tô đất (bạc hà chanh)
Tía tô đất là loại cây thân thảo, cao từ 70 đến 150cm với lá có mùi chanh nhẹ. Tía tô đất đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ nhờ các lợi ích liên quan tới tiêu hóa, kháng khuẩn, tăng cường trao đổi chất và sức khỏe tâm thần và là thành phần trong nhiều sản phẩm như trà, thuốc bôi da, son môi hay dạng thuốc (viên mang) bổ sung thảo dược,...
Tác dụng của cây tía tô đất đối với sức khỏe:
Dưới đây là một số công dụng của cây tía tô đất đối với sức khỏe cũng như lợi ích tiềm ẩn dựa trên kết quả của những nghiên cứu khoa học trên NCBI, theo Healthline:
1. Cải thiện sức khỏe tâm thần
1.1. Giảm căng thẳng
Tía tô đất có tác dụng làm dịu các triệu chứng căng thẳng, giúp cơ thể thư giãn và cải thiện tâm trạng. Theo một nghiên cứu trên 25 người trưởng thành khỏe mạnh được công bố trên Tạp chí Nutrients năm 2004 sử dụng 300mg - 600mg chiết xuất tía tô đất trong 7 ngày cho thấy những tác động tiêu cực đến tâm trạng được cải thiện và mức độ bình tĩnh xử lý thông tin cũng tăng lên đáng kể ở liều 600mg và tăng dần ở liều 300mg.
Tuy nhiên nghiên cứu này còn thực hiện ở quy mô nhỏ, cần các quần thể thí nghiệm lớn hơn để kết luận chính xác liều cần thiết để giảm căng thẳng là bao nhiêu cho từng nhóm đối tượng.
Tác dụng của cây tía tô đất đối với sức khỏe rất đa dạng. (Ảnh: ST).
1.2. Giảm lo lắng
Tía tô đất cũng có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng lo âu chẳng hạn như hồi hộp và dễ kích động.
Nghiên cứu năm 2014 trên NCBI kiểm tra về tác dụng của thực phẩm chứa tía tô đất (sữa chua, chất làm ngọt tự nhiên và tía tô đất) tới tâm trạng. Kết quả cho thấy các tình nguyện viên đều có những cải thiện tâm trạng tích cực bao gồm cả giảm mức độ lo lắng.
1.3. Tăng cường chức năng nhận thức
Cũng theo nghiên cứu năm 2014 kể trên xem xét về tác dụng của tía tô đất trong việc cải thiện chức năng nhận thức. Những người tham gia được yêu cầu thực hiện các bài kiểm tra liên quan tới trí nhớ, khả năng toán học và độ tập trung. Kết quả các bài kiểm tra này cho thấy những người uống tía tô đất có mức độ tỉnh táo tốt hơn nhóm không dùng.
Mặc dù nhóm tình nguyện này đã trải qua sự gia tăng mức độ tỉnh táo nhưng tình trạng mệt mỏi theo thời gian vẫn xuất hiện. Việc kết hợp giữa tía tô đất với thức ăn cũng có thể ảnh hưởng tới tốc độ hấp thụ của các hoạt chất trong cây dẫn tới hiệu quả bị ảnh hưởng. Vì thế mà các nhà nghiên cứu cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu bổ sung hơn.
1.4. Giảm mất ngủ và các rối loạn giấc ngủ khác
Kết hợp tía tô đất với cây nữ lang để pha trà trước khi đi ngủ được cho là có thể giảm bớt tình trạng bồn chồn và rối loạn giấc ngủ, bao gồm cả mất ngủ.
Theo Medical News Today, một nghiên cứu cũ năm 2006 trên 900 trẻ em sử dụng tía tô đất như một thực phẩm bổ sung cho kết quả hơn 80% trẻ có sự cải thiện về giấc ngủ; 70% trẻ gặp cảm giác bồn chồn cũng được cải thiện và không có trẻ nào gặp phải tác dụng phụ của thuốc.
Tuy nhiên, trước khi cho trẻ sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào đều cần có tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Với người trưởng thành bạn có thể uống một tách trà pha tía tô đất với cây nữ lang dạng tươi hoặc khô trước khi đi ngủ để nhận được lợi ích.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tía tô đất hoạt động như một chất chống oxy hóa. (Ảnh: ST).
2. Tía tô đất chống lại stress oxy hóa
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tía tô đất hoạt động như một chất chống oxy hóa và có hiệu quả trong việc chống lại stress oxy hóa chẳng hạn như tiểu đường, rối loạn thoái hóa thần kinh mãn tính (Parkinson, Alzheimer), bệnh tim mạch,...
Tuy nhiên, ở mỗi tình trạng khác nhau thì liều lượng cần thiết để có hiệu quả cũng sẽ khác nhau và việc sản xuất cũng như tỷ lệ thành phần tía tô đất trong các sản phẩm cũng ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả của tía tô đất.
3. Chống viêm
Có một số bằng chứng cho thấy tía tô đất có tác dụng giúp chống viêm trong điều trị đau nhức và các viêm nhiễm sau chấn thương. Nhưng nghiên cứu này còn hạn chế và giới hạn trên động vật nên chưa khẳng định chính xác được cơ chế chống viêm chính xác của cây tía tô đất là gì.
4. Hỗ trợ điều trị vết loét Herpes (vết loét lạnh - cold sores)
Bôi tía tô đất có thể hỗ trợ điều trị vết loét do Herpes cũng như kéo dài thời gian giữa các đợt bùng phát mụn rộp. Bạn có thể bôi kem dưỡng chứa tía tô đất lên vùng da có vết loét Herpes vài lần mỗi ngày, nhưng trước đó bạn cần thử bôi lên vùng da mặt trong cổ tay để xem có bị kích ứng không. Nếu như không có kích ứng xảy ra trong vòng 24 giờ thì kem dưỡng này an toàn để bạn sử dụng.
5. Cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa
Một số tình trạng tiêu hóa ít nghiêm trọng có thể được cải thiện nhờ tía tô đất như đầy hơi, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn.
5.1. Giảm chứng khó tiêu
Nếu bạn thường xuyên bị đau bụng và khó tiêu, tía tô đất có thể đem lại một vài tác động tích cực tới quá trình tiêu hóa của bạn. Cách thực hiện khá đơn giản, bạn có thể thêm 1 thìa cà phê bột tía tô đất vào cốc sinh tố hoặc kem và thưởng thức.
5.2. Điều trị chứng buồn nôn
Do tác động tích cực với hệ tiêu hóa mà tía tô đất cũng được sử dụng trong việc giảm cảm giác buồn nôn. Bạn có thể uống trà tía tô đất khi dấu hiệu buồn nôn xuất hiện.
Bạn có thể uống trà tía tô đất khi dấu hiệu buồn nôn xuất hiện. (Ảnh: ST).
6. Giảm chứng chuột rút tiền kinh nguyệt
Tía tô đất có thể có hiệu quả trong việc giảm đau bụng kinh và hội chứng chuột rút tiền kinh nguyệt.
Theo Healthline, nghiên cứu năm 2015 đã nghiên cứu tác dụng của 1.200 mg tinh dầu tía tô đất trong việc giảm cường độ chuột rút ở 100 nữ sinh trung học ở ba chu kì kinh nguyệt liên tiếp, uống mỗi ngày. Kết quả cho thấy, nhóm dùng tinh dầu tía tô đất có các triệu chứng giảm cường độ đáng kể so với nhóm dùng giả dược.
7. Kháng virus
Ngoài đặc tính chống oxy hóa và kháng viêm thì tía tô đất cũng được xem xét về các đặc tính kháng khuẩn nhờ khả năng điều trị các tình trạng như virus Herpes type 1 và type 2.
Nghiên cứu trong ống nghiệm cũng phát hiện ra rằng tía tô đất có thể ức chế sự phát triển trong ống nghiệm của virus cúm, myxovirus. Đây là những kết quả tiềm năng gợi mở cho những nghiên cứu sau này liên quan tới đặc tính kháng khuẩn của loại thảo dược này.
8. Giảm đau đầu
Tía tô đất cũng có tác dụng trong điều trị chứng đau đầu, đặc biệt là với loại đau đầu xảy ra do căng thẳng nhờ đặc tính giúp thư giãn, giải phóng căng thẳng và thư giãn cơ bắp bằng cơ chế giúp mở và thư giãn các mạch máu bị thắt chặt.
9. Giảm đau răng
Theo Healthline, đặc tính giảm đau của tía tô đất cũng khiến nó trở thành lựa chọn lý tưởng để giảm đau răng bằng cách đơn giản là thoa tinh dầu tía tô đất lên vùng bị đau. Tuy nhiên cần đảm bảo rằng tinh dầu đã được pha loãng với dầu nền như dầu jojoba.
Chỉ nên sử dụng tía tô đất trong thời gian ngắn. (Ảnh: ST).
10. Tác dụng phụ có thể gặp
Theo Healthline, tía tô đất có thể gây ra các tác dụng phụ như đau đầu, tiểu rát, tăng thân nhiệt, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, chóng mặt, thở khò khè, tim đập nhanh, kích ứng da hoặc dị ứng. Việc sử dụng tía tô đất với thức ăn có thể góp phần giảm thiểu tác dụng phụ như khó chịu ở dạ dày hoặc với liều lượng ít hơn 2g mỗi ngày.
Tía tô đất cũng có thể gây ra các nguy cơ tiềm ẩn với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người bị rối loạn tuyến giáp hay người đang sử dụng thuốc an thần, thuốc tăng nhãn áp, trẻ sơ sinh hoặc trẻ dưới 12 tuổi, đang chuẩn bị phẫu thuật.
Chỉ nên sử dụng tía tô đất trong thời gian ngắn, nghỉ 1 tuần sau mỗi 3 tuần sử dụng và không nên dùng tía tô đất lâu hơn 4 tháng mà không có quãng nghỉ.
Nhìn chung tía tô đất không thể thay thế thuốc điều trị bệnh cũng như phác đồ điều trị mà bác sĩ chỉ định. Nếu bạn sử dụng tía tô đất dạng lá tươi hoặc lá khô để pha trà thì rủi ro là khá thấp; với các dạng viên nang uống bột hay chất bổ sung tía tô đất khác, hãy lựa chọn các sản phẩm uy tín được chiết xuất đúng cách và an toàn. Đừng quên nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ dạng bổ sung nào. Dừng sử dụng khi có các biểu hiện lạ và liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.