Các nhà khoa học Trung Quốc sắp phân tích ADN của những người có khả năng là hậu duệ Tào Tháo để làm rõ liệu người trong ngôi mộ tại tỉnh Hà Nam có phải nhà quân phiệt lừng danh thời Tam Quốc hay không.
|
Một gối đá có dòng chữ "Những vật dụng cá nhân mà Ngụy Vương thường sử dụng" được tìm thấy trong ngôi mộ tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: China Daily. |
Tờ China Daily dẫn lời các chuyên gia của Đại học Phục Đán cho biết, các nhà khảo cổ đã tìm được ba vùng mà con cháu Tào Tháo có thể đang sinh sống. Họ đang tìm cách lấy mẫu ADN từ các hậu duệ của Tào Tháo và so sánh chúng với mẫu ADN mà họ lấy từ hộp sọ trong ngôi mộ ở tỉnh Hà Nam.
Ngày 27/12/2009, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc thông báo các nhà khảo cổ tìm thấy mộ Tào Tháo trong làng Xigaoxue, thành phố cổ An Dương, tỉnh Hà Nam. Nhưng ngay sau đó một bộ phận dư luận Trung Quốc và nhiều chuyên gia cho rằng người được chôn trong mộ không phải Tào Tháo.
Han Shen, giáo sư khảo cổ của Đại học Phục Đán, cho hay phả hệ là một công cụ để tìm kiếm hậu duệ Tào Tháo. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy 258 người trong gia phả họ Tào. Họ đã kiểm tra 118 người trong số đó.
Một bức vẽ chân dung Tào Tháo. Ảnh: sina.com.cn.
Kết quả kiểm tra cho thấy các hậu duệ của Tào Tháo có thể sống tại ba khu vực: vùng giáp ranh giữa ba tỉnh An Huy, Sơn Đông, Giang Tô, Hà Nam; vùng gần ba thành phố Kim Hoa, Thiệu Hưng, Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang; một số vùng dọc theo sông Dương Tử như tỉnh Hồ Nam và thậm chí Thượng Hải.
Các chuyên gia khảo cổ cho rằng giới nhân chủng học nên chú ý tới những người sống tại thành phố Kim Hoa thuộc tỉnh Chiết Giang. Nhiều bằng chứng xác thực cho thấy họ là con cháu của Tào Tháo.
"Nếu tìm thấy những người đó chúng tôi sẽ thu thập mẫu ADN dễ dàng. Thay vì đợi người dân tự nguyện cung cấp mẫu ADN, chúng tôi quyết định tới những khu vực mà hậu duệ của Tào Tháo sinh sống để lấy mẫu", China Daily dẫn lời giáo sư Li Hui, giám đốc dự án xác định danh tính Tào Tháo. Ông Hui làm việc tại Đại học Phục Đán.