Sau khi đọc bài thơ ấy, Lưu Bá Ôn càng thêm thán phục trước tài năng xuất chúng của Khổng Minh. Song ông cũng vội vã từ quan về quê vì lo sợ hàm ý ám chỉ trong đó sẽ thành sự thật.
Trong dòng chảy mấy ngàn năm của lịch sử Trung Hoa, Gia Cát Lượng và Lưu Bá Ôn là hai đại mưu sĩ nổi tiếng trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, thậm chí tài năng của họ còn được so sánh với những bậc tiên nhân hạ phàm.
Cũng bởi vậy mà mỗi khi nhắc tới hai nhân vật kỳ tài xuất chúng ấy, dân gian vẫn thường lưu truyền câu nói: "Tam phân thiên hạ Gia Cát Lượng, nhất thống giang sơn Lưu Bá Ôn".
Thế nhưng ít ai biết rằng, hai câu nói nổi tiếng về Khổng Minh và Lưu Cơ thực chất lại bắt nguồn từ một bài thơ ở miếu Gia Cát, hơn nữa bài thơ ấy còn từng khiến Lưu Bá Ôn chấp nhận từ bỏ quan cao lộc dầy của bậc khai quốc công thần để từ quan về quê với mong muốn giữ lại tính mạng cho bản thân.
Giai thoại về bài thơ trong miếu thờ Khổng Minh khiến Lưu Bá Ôn vội vã từ quan
Lưu Bá Ôn (1311 - 1375), tên thật là Lưu Cơ, tự Bá Ôn, là nhà văn, nhà thơ và khai quốc công thần của vương triều Đại Minh trong lịch sử phong kiến Trung Hoa. (Tranh: Nguồn Internet).
Là hai bậc mưu sĩ nổi danh Trung Hoa, tài năng của Gia Cát Khổng Minh và Lưu Bá Ôn cho tới ngày nay vẫn thường được hậu thế đặt lên bàn cân để so sánh.
Những truyền thuyết, giai thoại liên quan tới hai nhân vật này còn là chủ đề được người đời kể cho nhau nghe vào những lúc trà dư tửu hậu. Và câu chuyện dưới đây cũng nằm trong số đó.
Tương truyền rằng Lưu Bá Ôn lúc sinh thời nổi tiếng thông tường thiên văn địa lý, hơn nữa còn có tài tiên tri xuất thần. Ông từng làm một bài thơ mang tên "Thiêu bính ca" (bài ca bánh nướng) để dự đoán về những sự kiện xảy ra với nhà Minh trong tương lai và hầu hết đều ứng nghiệm.
Cũng theo giai thoại này, thì bậc thần cơ diệu toán như Lưu Cơ đã từng có lúc không phục tài năng Gia Cát Lượng.
Dã sử ghi lại, năm xưa Lưu Bá Ôn có một lần đi ngang qua miếu Gia Cát Vũ hầu thờ Khổng Minh, liền xuống ngựa để dừng chân nghỉ ngơi. Khi cùng tùy tùng tiến vào tòa đại điện trong miếu, ông đã đứng trước tượng Gia Cát Lượng mà nghĩ thầm:
"Khổng Minh cả đời hô phong hoán vũ, cúc cung tận tụy, cuối cùng cũng chỉ có thể giúp quân chủ gây dựng nên một thế lực chia ba thiên hạ. Mà Lưu Bá Ôn ta giúp chủ công lấy được thiên hạ, trở thành nhất thống".
Với suy nghĩ công lao của bản thân cao hơn Khổng Minh một bậc, Lưu Bá Ôn đã lấy giấy bút đề lên một câu đối treo tường:
"Tam thống thiên hạ Gia Cát Lượng
Nhất thống thiên hạ Lưu Bá Ôn".
Bài thơ được Lưu Bá Ôn vô tình phát hiện trong miếu thờ Gia Cát Lượng năm nào đã khiến ông vội vã rời bỏ chính trường và từ quan về quê. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Sau đó ông lại nghĩ, Khổng Minh cả đời cơ trí, nhất định sẽ cất giấu binh thư hoặc di chúc trong miếu thờ, vì vậy liền hạ lệnh cho thuộc hạ đi tìm, thế nhưng chẳng hề phát hiện được gì.
Lưu Bá Ôn trong lòng hoài nghi, đột nhiên ngẩng đầu nhìn lên bức hoành phi trong miếu, bèn cho người tháo xuống. Kết quả ông phát hiện phía sau tấm hoành phi có đề một bài thơ:
"Tam thống thiên hạ Gia Cát Lượng
Nhất thống thiên hạ Lưu Bá Ôn
Ta biết sau có Lưu Bá Ôn
Ngươi biết sau ngươi có người nào?".
Lưu Bá Ôn vốn là người thông minh, đọc xong bài thơ ấy thì trầm tư hồi lâu, sau đó nhanh chóng hiểu được hàm ý, liền quỳ xuống trước bức tượng thờ Gia Cát Lượng mà dập đầu lạy ba cái.
Sau đó, bản thân ông dù có công lao cái thế, lại là bậc khai quốc công thần, thế nhưng vẫn chấp nhận bỏ đi quan cao lộc dày, hồi hương quy ẩn, khép kín giữ mình.
Từ bỏ quan trường, "thần cơ diệu toán" họ Lưu vẫn không tránh khỏi kết cục bi thảm
Sau khi Lưu Bá Ôn về quê ẩn cư ở huyện Thanh Điền, ông càng lúc càng trở nên lánh đời. Huyện lệnh nơi đây nghe tin ông từ quan hồi hương, liền muốn tới bái kiến vị khai quốc công thần này, thế nhưng Lưu Bá Ôn năm lần bảy lượt đóng cửa không tiếp.
Trước tình cảnh ấy, Huyện lệnh nghĩ ra một cách, liền cải trang thành dân thường để tới bắt chuyện với Lưu Bá Ôn. Sau khi Huyện lệnh thừa nhận thân phận thật của mình, Lưu Bá Ôn liền tỏ ra hết sức e dè, lập tức mời người này ra khỏi nhà, từ đó về sau cũng không tiếp kiến với bất kỳ ai lạ mặt.
Chỉ tiếc rằng dù cẩn thận giữ mình ra sao thì vị "thần cơ diệu toán" họ Lưu ấy cũng không tránh khỏi kết cục bi thảm.
Nguyên nhân khiến Lưu Bá Ôn đi vào "vết xe đổ" giống như nhiều khai quốc công thần đầu thời Minh khác bắt nguồn từ một nguyên nhân hết sức đơn giản: Chu Nguyên Chương vẫn luôn đem lòng nghi kỵ và dè chừng ông.
Tương truyền rằng năm xưa vị Hoàng đế này từng có lần hỏi Lưu Bá Ôn về người xứng đáng kế nhiệm chức vụ Thừa tướng. Những ứng cử viên tiêu biểu như Dương Hiến, Uông Quảng Dương hay Hồ Duy Dung đều bị nhân vật này vạch rõ khuyết điểm.
Sau khi đắn đo cân nhắc, Chu Nguyên Chương liền làm như vô tình mà nói ra một câu:
"Xem ra chức Thừa tướng chỉ có thể để tiên sinh làm".
Vị quan họ Lưu vội vàng từ chối:
"Vi thần ghét ác như thù, lại không thích chuyện chính sự rườm rà, cũng không thích hợp làm Thừa tướng. Trong thiên hạ không lo không có người tài, chỉ cần Thánh Thượng lưu tâm nhiều hơn, nhất định có thể tìm được người thích hợp".
Có ý kiến cho rằng, bốn chữ "ghét ác như thù" của Lưu Bá Ôn đã khiến một vị vua đa nghi như Chu Nguyên Chương tưởng rằng đó là những lời lẽ ám chỉ về mình.
Có ý kiến khác lại khẳng định, bởi Chu Nguyên Chương không nghe theo ý kiến của Lưu Cơ, lần lượt cho Dương Hiến, Uông Quảng Dương và Hồ Duy Dung làm Thừa tướng, nhưng sau này họ đều phạm vào đại tội. Từ đó vị Hoàng đế ấy lại càng thêm e dè trước tài năng của Lưu Bá Ôn.
Bên cạnh đó, vị quan họ Lưu ấy sinh thời nổi tiếng chính trực, căm ghét gian tà, vì vậy từng đắc tội với không ít quan viên. Cho nên ngay cả khi ông đã quy ẩn, Chu Nguyên Chương cùng những quan lại có tư thù vẫn chưa thực sự yên lòng.
Đương lúc đó, Lưu Bá Ôn lại bị kẻ gian vu vạ là dùng mảnh đất có "vương khí" để xây phần mộ. Sau khi đến tai nhà vua, ông bị khép vào tội "mưu đồ làm loạn" và bị cắt bỏ bổng lộc.
Để tránh hậu họa sau này, Lưu Bá Ôn đành phải trở lại Nam Kinh nhận lỗi với Hoàng đế, cũng định cư tại đây một lần nữa nhằm xóa bỏ hiềm nghi.
Tới năm 1375, Lưu Bá Ôn lâm trọng bệnh. Có giai thoại truyền lại rằng, sau khi uống thuốc của Hồ Duy Dung mang tới, bệnh tình của ông chẳng những không thuyên giảm mà còn trở nặng. Chỉ vẻn vẹn một tháng sau đó, vị "thần cơ diệu toán" họ Lưu ấy đã đột ngột qua đời ở tuổi 64.
Theo nhận định của trang Sohu, cái chết của Lưu Bá Ôn trên danh nghĩa là do Hồ Duy Dung gây nên, tuy nhiên không ít ý kiến đều cho rằng Chu Nguyên Chương mới chính là nhân vật đứng sau "mượn dao giết người".
Sau này, vị Hoàng đế ấy đã thanh trừng phe cánh của Hồ Duy Dung. Cuộc tắm máu các thành viên "Hồ đảng" khiến cho hàng chục ngàn người phải chết thảm năm ấy đã khiến nhiều người đặt ra nghi vấn: Liệu rằng đây có phải là hành động "giết người diệt khẩu" của Chu Nguyên Chương nhằm xóa đi những manh mối về cái chết đầy khuất tất mà Lưu Bá Ôn phải chịu năm xưa?