Ngày 1/12, các nhà khảo cổ học Trung Quốc cho biết vừa khai quật được các dấu tích của khu "Cung điện hoàng đế" đồ sộ nằm trong khuôn viên của lăng mộ Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa.
Tượng đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ tỉnh Thiểm Tây, miền Trung Trung Quốc, dựa theo kết cấu nền của khu di tích, Cung điện hoàng đế có chiều dài ước tính lên tới 690 mét và chiều rộng là 250 mét, được xem là tổ hợp di tích lớn nhất được phát hiện tại khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Được trải rộng trên diện tích 170.000 mét vuông, cung điện này có diện tích bằng 1/4 so với Tử Cấm thành ở thủ đô Bắc Kinh, nơi ở của các vị vua thuộc hai triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc là triều Minh và Thanh, từ năm 1368 đến năm 1911.
Cung điện vừa được phát hiện bao gồm 18 khu nhà nhỏ có sân trong và một tòa nhà chính được xây dựng theo lối kiến trúc triều đại Tần, từ năm 221 đến năm 207 trước Công nguyên.
Khu quần thể di tích lăng mộ Tần Thủy Hoàng, có diện tích 56km vuông, được xem là khu lăng mộ dưới lòng đất lớn nhất trên thế giới và nổi tiếng với hàng trăm nghìn tượng chiến binh bằng đất sét nung.