Giám đốc Bảo tàng Thế giới nguyên thủy của Đức, ông Sebastian Voigt ngày 13/6 thông báo, các nhà khoa học Đức đã tìm thấy dấu vết hóa thạch của một loài động vật có xương sống cổ đại có niên đại cách đây hơn 300 triệu năm tại thành phố Bochum (Đức).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Wikimedia)
Theo ông Voigt, dấu tích động vật có xương sống này được tìm thấy trong mỏ đá lộ thiên ở Bochum. Chúng được xác định là hóa thạch của một loài động vật sống cách đây 316 triệu năm trên bờ một con sông lớn, chảy qua khu vực hiện là vùng Ruhr.
Bà Daniela Schwarz Wings đến từ Bảo tàng Tự nhiên học Berlin cho biết, đây là hóa thạch của loài bò sát ăn cỏ có 4 chân, và niên đại của các hóa thạch này làm các nhà khoa học đặc biệt quan tâm. Từ đây, giới khoa học có thể xác định được có bao nhiêu con vật như vậy từng phổ biến tại châu Âu và chúng tồn tại trong bao lâu.
Vào ngày 17/6, các chuyên gia sẽ cung cấp các mẫu hóa thạch cho Bảo tàng Tự nhiên học ở Munster, sau đó mẫu hóa thạch này sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Khai thác mỏ Đức ở Bochum.