Trang tin Physorg.com ngày 8/3 đưa tin một nhóm các nhà cổ sinh vật học đã phát hiện ra loài sinh vật có xương sống lâu đời nhất ở miền Nam Australia.
Được đặt tên là Coronacollina acula, sinh vật này có từ 560-550 triệu năm trước, tức trong kỷ Ediacaran (630-542 triệu năm trước), trước khi sự sống bùng nổ và các loài sinh vật trở nên đa dạng trên Trái Đất trong kỷ Cambri (542-488 triệu năm trước).
Loài động vật cổ đại Coronacollina acula.
Phát hiện này mang lại sự hiểu biết sâu về quá trình tiến hóa của sự sống, đặc biệt là sự sống thuở sơ khai trên hành tinh, tại sao động vật tuyệt chủng, các sinh vật thích nghi như thế nào với sự thay đổi của môi trường. Phát hiện cũng có thể giúp các nhà khoa học nhận ra sự sống ở những nơi khác trong vũ trụ.
"Người ta vẫn nghĩ rằng, cho đến kỷ Cambri, các động vật là thân mềm và không có bộ phận cơ thể cứng", Mary Droser, giáo sư địa chất tại Đại học California, Riverside, Mỹ, người cùng nhóm nghiên cứu của bà có phát hiện nói trên, nói, "Nhưng bây giờ chúng ta có một sinh vật với các bộ phận cơ thể bằng xương xuất hiện trước kỷ Cambri. Do đó, đây là loài động vật cổ nhất có các bộ phận cứng. Những bộ phận có tính cấu trúc này về cơ bản đóng vai trò chống đỡ cho cơ thể”.
Coronacollina acula được phát hiện dưới dạng hóa thạch nén có kích thước từ vài mm đến 2cm. Tuy nhiên, vì đá bị co lại theo thời gian nên sinh vật này có thể lớn hơn với kích cỡ 3-5cm.
Đáng chú ý, sinh vật này được cấu tạo giống với bọt biển ở kỷ Cambri.
Theo bà Droser, sự xuất hiện của Coronacollina acula là dấu hiệu cho thấy động vật xương sống không phải đột ngột xuất hiện trong kỉ Cambri như người nghĩ, và các động vật ở kỷ Ediacaran giống với Coronacollina acula là một phần trong dòng tiến hóa của động vật như chúng ta biết.
Kết quả nghiên cứu trên được đăng trên trang Geology.com.