Sự có mặt của bàn nghiền, chày nghiền, dấu tích của bếp lửa, xương răng động vật, ốc chưa hóa thạch... là tàn tích thức ăn của người tiền sử cách đây khoảng 7.000- 8.000 năm.
Chiều 27/8, PGS.TS Trình Năng Chung, Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, đoàn khảo sát do ông đứng đầu phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn vừa tìm thấy dấu vết người tiền sử tại 4 di tích thuộc hơn 20 hang tại hai xã Quảng Khê và Đồng Phúc, huyện Ba Bể, Tỉnh Bắc Kạn sau một tháng thực địa.
Tại hang Kẹm Liềm ở thôn Chợ Lèng, xã Quảng Khê rộng 280m2, cao hơn con suối Tà Lẻng dưới chân núi khoảng 80m, đoàn khảo sát đã đào thám sát một hố 3m2 ở giữa hang, cách vách phía đông 1,5m. Kết quả phát hiện tầng văn hóa dày 0,7m nằm ngay trên nền đá tảng. Trên bề mặt thu được 154 di vật, trong hố đào thu 49 di vật đá.
Công cụ đá ở hang Kẹm Liềm.
Kết quả khảo sát cho thấy bề mặt hang đã bị xáo trộn do hoạt động của con người thời kỳ cận hiện đại. Khắp bề mặt hang có nhiều tảng đá, nhũ đá rơi từ trần hang xuống do những dư địa chấn nhỏ, cục bộ xảy ra trong quá khứ. Di vật đá của cư dân tiền sử được tìm thấy ở nhiều nơi trên bề mặt hang.
Tầng văn hóa được hình thành bởi đất sét trong hang có màu vàng sẫm chứa di vật là những công cụ đá ghè đẽo, xen lẫn xương răng động vật và vỏ ốc suối chặt đuôi. Trong hố đào đã phát hiện dấu tích của bếp lửa, chưa phát hiện được dấu tích mộ táng. Xương răng động vật và vỏ ốc chưa hóa thạch, chúng là tàn tích thức ăn của người tiền sử để lại nơi cư trú.
Đoàn khảo sát bề mặt hang Khuổi Duồng.
Di vật đá thu được trên bề mặt và trong hố đào có sự tương đồng về loại hình và kỹ thuật chế tác. Toàn bộ công cụ đá được làm từ đá cuội sông với kỹ thuật ghè đẽo đơn giản. Loại hình công cụ chủ đạo là công cụ chặt đập thô, rìu tay, công cụ bằng mảnh đá, mảnh tước, bàn nghiền, chày nghiền và 1 phác vật rìu có dấu ghè đẽo tạo eo để buộc dây. Sự có mặt của bàn nghiền và chày nghiền là bằng chứng của phương thức chế biến thức ăn của cư dân tiền sử săn bắt, hái lượm nơi đây.
Dựa vào nghiên cứu tổng thể các di vật, kết cấu trầm tích địa tầng văn hóa, bước đầu Đoàn khảo sát nhận định hang Kẹm Liềm là một di tích cư trú của người tiền sử thuộc giai đoạn sớm của thời đại Đá mới có niên đại khoảng 7.000 - 8.000 năm cách ngày nay.
Xương động vật, tàn tích thức ăn ở hang Kẹm Liềm.
Trên địa bàn xã Quảng Khê, đoàn đã phát hiện địa điểm hang Khuổi Duồng trong sơn khối đá vôi thuộc thôn Nà Chom. Hang cao hơn so với chân núi khoảng 60m, có diện tích khoảng 30m2 được chia thành 2 ngăn có diện tích tương đương nhau.
Qua khảo sát đã phát hiện được 26 công cụ đá ghè đẽo trên khắp bề mặt. Tại ngách hang phía đông đã phát hiện 14 mảnh gốm thô có hoa văn khắc vạch và văn thừng thô. Người dân địa phương đã cung cấp cho đoàn khảo sát 1 chiếc rìu mài tứ giác mài nhẵn toàn thân bằng đá hạt mịn màu xám phát hiện được ngay khu vực dưới chân núi. Có thể đây là di vật của những người tiền sử trên hang Khuổi Dùng làm rơi vãi trong quá trình di chuyển lao động.
Tại xã Đồng Phúc, trên dãy núi Phja Pục thuộc địa phận thôn Lùng Minh, đoàn khảo sát đã phát hiện được 2 di tích trong hang động: Hang Đán Đeng 1 và Đán Đeng 2. Ở Đán Đeng 1, đoàn phát hiện được 44 công cụ bằng đá ghè đẽo cùng nhiều vỏ ốc suối chặt đuôi, xương động vật chưa hóa thạch. Tại Đán Đeng 2 đã phát hiện được 10 công cụ đá ghè đẽo cùng ít vỏ ốc suối. Khi nghiên cứu sưu tập đồ đá ở Đán Đeng 1 và Đán Đeng 2 cho thấy chúng tương đồng với bộ sưu tập ở hang Kẹm Liềm cả về loại hình và kỹ thuật chế tác.
Đoàn khảo sát khảo cổ học nhận định, chủ nhân hai di tích Đán Đeng 1 và Đán Đeng 2 tồn tại cùng thời kỳ với chủ nhân di tích hang Kẹm Liềm. Đó là những nhóm cư dân thuộc giai đoạn sớm thời kỳ Đá mới có niên đại khoảng 7.000 - 8.000 năm cách ngày nay.
PGS.TS Trình Năng Chung đánh giá các phát hiện có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa và khoa học, góp phần làm phong phú thêm nhận thức về văn hóa tiền sử ở Bắc Kạn nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Do vị thế gần kề Vườn quốc gia Ba Bể, hệ thống di tích trên cần được bảo tồn và phát huy giá trị, xem chúng như tiềm năng kinh tế du lịch, về nguồn trong kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương.
Hiện nay, các cơ quan chuyên môn đã có kế hoạch để nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn các di tích nói trên, trong đó có việc khai quật hang Kẹm Liềm trong thời gian tới.