Mưa lớn đã làm toàn miền Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Đến sáng 2/8, cơn mưa khủng khiếp này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại Vĩnh Phúc, nước ngập đến nửa người dân trong khi đó ở Quảng Ninh một xã đang bị cô lập hoàn toàn.
Miền Bắc tiếp tục mưa to đến rất to
Trong sáng và trưa ngày 2/8, ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Trung Tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết, từ ngày 2/8 đến 4/8, ở các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to diện rộng.
Tổng lượng mưa trong 2 ngày (đến 3/8) ở khu vực Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ 30-70mm (riêng vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định 100-150mm). Tổng lượng mưa cả đợt ở khu vực Việt Bắc và Tây Bắc 100-200mm; có nơi trên 200mm. Trên vịnh Bắc Bộ gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 1,5-2,5m. Biển động.
Trung Tâm Dự báo KTTV Trung ương cũng nhấn mạnh, dự báo ngày 3- 4/8, trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 7 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 3 mét. Mực nước sông Thao (tại Yên Bái) lên trên mức báo động 1; sông Thương (tại Phủ Lạng Thương): báo động 2; sông Cầu (tại Đáp Cầu): báo động 1 và sông Lục Nam (tại Lục Nam): trên báo động 2.
Do mưa lớn, người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc (đặc biệt là: Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình) và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối; ngập lụt đô thị ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.
Vĩnh Phúc: Nước ngập đến nửa người
Do mưa lớn trên các tuyến đường chính của thành phố như đường Mê Linh, Nguyễn Tất Thành, Ngô Gia Tự, Nguyễn Tư Phúc, Nguyễn Văn Linh... đã xảy ra ngập úng cục bộ, không ít phương tiện bị chết máy, nhất là đoạn đường qua siêu thị Big C Vĩnh Phúc bị ngập nặng.
Tại đoạn đường Mê Linh, phường Khai Quang, nước mưa dâng ngập tràn vào nhà dân, các cửa hàng sửa chữa ô tô, dịch vụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Một người dân vất vả di chuyển giữa dòng nước tại Vĩnh Yên Vĩnh Phúc (Ảnh Hồng Việt Nguyễn/Otofun)
Mưa lũ nhấn chìm ô tô (Ảnh Hồng Việt Nguyễn/Otofun)
Nhiều tuyến phố trên địa bàn TP Vĩnh Yên chìm trong nước (Ảnh báo Xây dựng)
Quảng Ninh: Một xã đang bị cô lập, chia cắt
Tính đến 9h sáng 2/8, 500 nhà dân ở khu vực trung tâm TP Uông Bí bị ngập sâu trong nước. Do mưa lớn kéo dài nên đã bị ngập cục bộ; lũ tràn cao qua các đập, ngầm ở xã Thượng Yên Công.
Hiện nay lũ tràn cao qua các đập tràn, giao thông bị chia cắt, xã Thượng Yên Công đang bị cô lập, các lực lượng đã được huy động bố trí tại các khu vực nguy hiểm.
Công ty Than Uông Bí, sạt lở trên 50m đường tại cọc + 370 tuyến đường Đồng Vông - Uông Thượng; Công ty cổ phần Than Vàng Danh có 4 phân xưởng vị trí sản xuất bị ảnh hưởng mưa lớn, dẫn đến ngấm nước một phần. Hiện để đảm bảo an toàn sản xuất Công ty đã cho tạm ngừng sản xuất để củng cố khai thông thoát nước lò.
Khu vực đập tràn sông Uông Bí (Trung tâm TP Uông Bí) nước sông đang dâng lên rất nhanh. (Ảnh: báo Quảng Ninh)
Trung tâm TP Uông Bí nước đang dâng cao (Ảnh: báo Quảng Ninh)
Lai Châu, Sơn La: 3 người chết
Sáng 2/8, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết theo báo cáo nhanh của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang và Sơn La, mưa lũ đã làm 3 người chết (Lai Châu 2 người; Sơn La 1 người).
Hai người thiệt mạng tại Điện Biên là mẹ con chị Mùa Thị Khua, sinh năm 1996 và cháu Mùa A Dũng mới 1 tuổi tại bản Huổi Đanh, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn.
Sơn La sau trận mưa lớn (Ảnh: VOV)
Mưa lũ tại Sơn La cũng làm chết một người tại xã Mường Bú, huyện Mường La khi đi làm nương về qua suối.
Ngoài ra, mưa lũ đã làm hơn 200 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, tốc mái, ngập nước; gần 2.500 ha lúa và 680ha hoa màu bị ngập, thiệt hại; trên 11.500 con gia súc, súc cầm bị chết; gần 11.000m kênh mương và 6 hồ chứa, đập bị thiệt hại, 64 công trình thủy lợi nhỏ bị sập, cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở với tổng khối lượng 120.500m3.
Điện Biên: Tổ chức dọn vệ sinh đường phố sau khi nước rút
Những đợt mưa kéo dài đêm qua, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ đã bị ngập úng cục bộ.
Dọn dẹp sau nước rút
Sau khi nước rút, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng Điện Biên đã tổ chức cho công nhân dọn vệ sinh, thu gom rác thải, bùn, đất và rửa đường.
2 tuyến đường bị ảnh hưởng nhiều nhất là đường Võ Nguyên Giáp và đường Trường Chinh; sau khi nước rút, để lại nhiều rác thải và bùn, đất trên mặt đường, gây mất mỹ quan đô thị, cản trở các phương tiện giao thông.
Lào Cai: Di dời dân
Ngày 1/8, 36 hộ dân trên địa bàn tỉnh này đã được di dời cấp bách ra khỏi vùng nguy hiểm.
Hiện mưa to đến rất to vẫn diễn ra trên diện rộng, mực nước trên các sông ngòi đang dâng cao. Mực nước trên sông Hồng đo được vào sáng 2/8 là 79cm, sông Chảy qua địa phận huyện Bảo Yên là 71cm, dưới báo động cấp 1 là 20cm.
Thủ tướng "không để người dân vùng lũ đói, khát"
Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Tấn Dũng vừa gửi Công điện về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ ở các tỉnh Bắc
Bộ. Công điện nhấn mạnh: "cứu trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ dân bị thiếu đói, hộ còn bị cô lập không để người dân bị đói, khát".
Theo Công điện, trong tuần vừa qua, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt tại nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ, thiệt hại lớn về người và tài sản
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, chia sẻ những khó khăn, mất mát của người dân.
Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức tìm kiếm người mất tích, mai táng người bị thiệt mạng, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại. Đồng thời, các cơ quan này cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị thiếu đói, hộ còn bị cô lập, chia cắt không để người dân bị đói, khát.
Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn chủ động tham gia hỗ trợ nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan này phải tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, vận hành bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập để bảo đảm an toàn công trình và tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du; chỉ đạo chủ động tiêu thoát nước chống ngập úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam có phương án phòng chống sạt lở, nhất là các bãi xỉ thải. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa lũ; thường xuyên cập nhật, thông tin để chủ động phòng, tránh.
Công diện cũng nêu rõ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng; thường xuyên thông báo diễn biến tình hình mưa lũ; làm tốt công tác thông tin truyền thông để các Bộ, ngành, cơ quan và nhân dân chủ động phòng, tránh.