Top 8 loài vật biết sử dụng công cụ mà không ai ngờ tới

Các nhà khoa học từng nghĩ rằng chỉ có con người và họ hàng gần nhất của chúng ta, tinh tinh, mới đủ thông minh để sử dụng các công cụ. Nhưng khi hiểu biết về thế giới tự nhiên của chúng ta ngày càng chi tiết hơn, con người có lẽ nên bớt kiêu ngạo về trí tuệ được cho là siêu việt của mình. Vì càng ngày chúng ta càng nhận thấy rằng nhiều loài thực sự khéo léo với gậy, đá và các dụng cụ khác. Dưới đây là một số loài vật biết sử dụng công cụ nhưng ít người biết đến.

Hải âu cổ rụt


Hải âu Puffin.

Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy loài puffin, hay hải âu rụt cổ, sử dụng công cụ lần đầu tiên vào năm 2018, khi những con chim biển này ngoạm lấy những cây gậy để tự cào vào mình. Đoạn video được quay ở Bắc Đại Tây Dương cho thấy một chú chim con đáng yêu đang nhặt một chiếc que ngắn và di chuyển nó về phía ngực, giống như một chuyển động cào. Các nhà khoa học tin rằng chúng đang muốn giảm ngứa hoặc cố gắng loại bỏ bọ ve.

Trong khi các loài chim khác, đặc biệt là quạ và vẹt, nổi tiếng là sử dụng khéo léo các công cụ, thì điều đó không đúng đối với các loài chim như puffin. Nhóm nghiên cứu đã viết trong nghiên cứu của họ rằng: “Năng lực nhận thức của chim biển có thể đã bị đánh giá thấp đáng kể".

Lợn


 Lợn đã tự học được cách chơi trò chơi điện tử để nhận thức ăn.

Từng được miêu tả chỉ là những con vật lười biếng, chỉ ăn rồi ngủ, những con lợn đang bắt đầu nhận được nhiều hơn sự tôn trọng. Những khám phá gần đây đã cho thấy loài động vật này nhạy cảm, dễ thương và trên hết là thông minh. Lợn hoang Philippine đã sử dụng vỏ cây và que gậy để xây tổ trong một loạt các thí nghiệm được tiến hành vào giữa những năm 2010. Và năm ngoái, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng lợn đã tự học được cách chơi trò chơi điện tử để nhận thức ăn.

Bạch tuộc


Bạch tuộc có thể xây dựng các ổ nhỏ và sử dụng đá để tạo ra một loại lá chắn để bảo vệ lối vào.

Loài động vật thân mềm sống dưới đáy biển có xúc tu này là một trong các số loài vật không xương sống duy nhất được biết tới là có khả năng sử dụng công cụ.

“Ngoài việc giải quyết các nhiệm vụ bằng cách sử dụng các công cụ để nhận phần thưởng là thức ăn trong phòng thí nghiệm, ở những con bạch tuộc hoang dã đã được chứng minh là có thể xây dựng các ổ nhỏ và sử dụng đá để tạo ra một loại lá chắn để bảo vệ lối vào", Jon Ablett, người phụ trách cao cấp về động vật thân mềm tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, Anh, cho biết. "Một số loài bạch tuộc trùm chăn thông thường thậm chí còn được biết là sử dụng xúc tu làm vũ khí".

Kiến


Kiến biết sử dụng bọt biển và giấy để thấm thức ăn lỏng mang về tổ.

Một số loài kiến được biết là sử dụng các công cụ, thường là khi chúng muốn vận chuyển chất lỏng. Trong một nghiên cứu năm 2020, các nhà nghiên cứu đã theo dõi kiến lửa di chuyển các hạt cát để hút nước đường ra khỏi thùng chứa. Trong một thí nghiệm khác, người ta thấy giống kiến phễu biết sử dụng những miếng bọt biển và giấy - không phải những vật dụng mà chúng thường quen thuộc - để thấm thức ăn lỏng và mang về tổ.

Rái cá biển


Một con rái cá đang đập vẹm vào một tảng đá để mở nó ra.

Loài động vật biển có vú và có lông này được biết đến với việc sử dụng đá để phá vỡ vỏ của các động vật không xương sống ở đại dương, để lấy thịt bên trong. Cụ thể, rái cá biển có thể dùng bào ngư như búa, đập nó vào đá với tốc độ ba nhát mỗi giây để phá vỡ lớp vỏ cứng của con mồi. Hơn nữa, cách rái cá sử dụng các công cụ khác nhau cũng tùy thuộc vào môi trường sinh thái của chúng.

Cá sấu


Một con cá sấu đang giữ cây trên đầu để thú hút những con chim nước kém may mắn.

Cá sấu từ trước cho đến nay không phải là loài bò sát hay sử dụng công cụ. Nhưng vào năm 2013, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra cách những con cá sấu đầm lấy ở Ấn Độ và cả cá sấu ở Mỹ đều sử dụng que gậy làm mồi nhử để bắt mồi. Chúng sẽ ẩn nấp gần khu vực có các loài chim nước, sau đó lấy những cành, que đặt thăng bằng trên mũi. Những con chim sẽ đến gần để cắn một cành cây về xây tổ, và nếu không may, chúng sẽ bị mắc kẹt bởi một bộ hàm khỏe nhất trong vương quốc động vật. Nếu bạn từng thấy một chiếc que nhỏ ở trên đầu một khúc gỗ trên mặt nước… tốt nhất hãy cứ để nó nằm đó.

Khỉ đột


Con khỉ đột dùng gậy để thăm dò độ sâu của một vũng đầm lầy.

Mặc dù khỉ đột ít sử dụng công cụ hơn các loài động vật khác như tinh tinh, nhưng chúng biết rằng khi cần thiết, chúng sẽ sử dụng các đồ vật xung quanh càng nhiều càng tốt và thậm chí là có thể chế tạo ra những công cụ đơn giản. Tại Vườn quốc gia Nouabalé-Ndoki ở Cộng hòa Dân chủ Congo, người ta đã quan sát thấy những con khỉ đột dùng gậy để thăm dò độ sâu của một vũng đầm lầy. Trong một trường hợp khác, một con khỉ đột cái trưởng thành băng qua một vực nước sâu bằng cách sử dụng những bụi cây nhỏ để bện lại, làm thành một cây cầu.

Thomas Breuer, thuộc Wildlife Conservation Society, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Congo, nói: "Chúng tôi quan sát khỉ đột trong 10 năm tại đây, và có 2 trường hợp thấy chúng sử dụng công cụ". "Đầu tiên, có một con cái đi qua hồ và nó dùng một cây gậy để thử độ sâu của nước, và dùng nó như gậy chống". Trường hợp thứ hai là một con khỉ đột cái dùng thân cây và dựa vào nó trong lúc vét thức ăn ở một đầm lầy. Sau đó con này đặt thân cây trên vùng đầm lầy và dùng nó như một cây cầu. "Điều ngạc nhiên nhất là chúng tôi thấy chúng dùng công cụ không phải để lấy thức ăn, mà để giúp nương tựa". Quan điểm khoa học hiện nay cho rằng việc phân đôi giữa tinh tinh và người xảy ra 6 triệu năm trước.

Chim bách thanh


Chim bách thanh có thói quen xiên con mồi trên cành gai nhọn hoặc hàng rào dây thép gai để dự trữ thức ăn.

Chim bách thanh thường bay là là sát mặt đất để tìm kiếm con mồi, sau đó lao tới và tấn công nạn nhân bằng cú mổ chí mạng. Chúng cũng bắt các loài chim biết hót bằng cách tìm kiếm xuyên qua bụi rậm, hàng rào và cây cối, đuổi theo không ngừng nghỉ cho tới khi bắt gọn và giết chết con mồi. Chúng có thói quen xiên con mồi trên cành gai nhọn hoặc hàng rào dây thép gai để dự trữ thức ăn và quay trở lại ăn khi khan hiếm mồi. Chúng cũng dùng cành gai để giữ chặt con mồi trong lúc kéo đứt các chi bằng chiếc mỏ cong nhọn hoắt. Vì vậy, chúng còn có biệt danh là "Chim đồ tể".

Chim bách thanh có thể sở hữu vẻ ngoài khá đẹp, nhưng trên thực tế, đây là một loài chim vô cùng thông minh và có phần hơi "ác". Chúng giỏi sử dụng một số công cụ và rất tàn nhẫn khi giết con mồi, chúng thường dùng cành cây sắc nhọn và dây gai để đâm vào cơ thể con mồi. Con mồi của chúng bao gồm: sâu, thằn lằn, các loài gặm nhấm nhỏ, và cả các loài chim khác.

Cập nhật: 15/09/2024 Theo Pháp luật&bạn đọc/Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video