Top 7 loại rau củ là "kẻ thù" của bệnh tiểu đường, ăn vào sẽ giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn

Thực phẩm tốt cho người mắc bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường hiện tại vẫn chưa có loại thuốc nào giúp chữa khỏi hoàn toàn. Thế nên, bạn cần biết cách kiểm soát lượng calo mình thu nạp vào cơ thể hàng ngày bằng cách bổ sung nhiều loại rau củ. Thực tế, có một số loại rau củ khá hữu ích trong việc làm giảm lượng đường huyết trong cơ thể. Cùng tìm hiểu xem đó là những loại thực phẩm nào nhé!

1. Bông cải trắng

Bông cải trắng khi nấu lên có mùi vị nhẹ nhàng nên rất dễ ăn. Hơn nữa, bông cải trắng còn giàu crom, có thể điều chỉnh lượng đường trong máu và cải thiện khả năng dung nạp glucose một cách hiệu quả.

Nhưng điều cần lưu ý là không nên chế biến bông cải trắng chín quá và cần mua được loại tươi ngon để tránh gây mất chất dinh dưỡng.

2. Đậu Hà Lan

Giống như bông cải trắng, đậu Hà Lan cũng khá giàu crom nên có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa insulin để giảm bớt triệu chứng của bệnh tiểu đường.

3. Ớt chuông

Ớt chuông có thể thúc đẩy quá trình hấp thụ đường của tế bào máu, từ đó giúp đường huyết không tăng quá nhanh sau bữa ăn và điều chỉnh lượng đường trong máu hiệu quả.

4. Rau muống

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, rau muống có thể giúp bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Do đó, hãy tích cực bổ sung nhiều rau muống và chế biến thêm nhiều món hơn trong bữa cơm hàng ngày bạn nhé!

5. Đậu cô ve

Đậu cô ve rất giàu chất xơ, có thể làm giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn ở một mức độ nhất định. Điều đáng ngạc nhiên là nó còn có thể ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tăng huyết áp.

6. Bắp cải

Bắp cải rất giàu vitamin E, có thể thúc đẩy quá trình bài tiết và hình thành insulin trong cơ thể con người, từ đó điều chỉnh lượng đường trong máu tốt hơn.

7. Khoai mỡ

Trong khoai mỡ có khá nhiều chất chống oxy hóa, bao gồm anthocyanin và vitamin C. Anthocyanin vừa làm khoai mỡ có màu sắc tươi tắn, vừa giúp giảm huyết áp và chống viêm, ngăn ngừa ung thư và bệnh tiểu đường tuýp 2.

5 loại hạt tốt cho người bệnh tiểu đường

Đậu phộng (lạc)

Đậu phộng là nguồn cung cấp protein và chất xơ dồi dào, giúp giảm cân và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở người tiểu đường. Các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện ra rằng, thêm đậu phộng vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể kiểm soát lượng đường trong máu và cảm giác thèm ăn. Ăn đậu phộng giảm nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường.

Hạt điều

Nghiên cứu của Đại học Nam Australia, ăn hạt điều làm tăng tỷ lệ cholesterol HDL (cholesterol tốt) và giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu), giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở người tiểu đường. Có 300 người bệnh tiểu đường tham gia vào nghiên cứu, gồm 2 nhóm: ăn nhiều hạt điều và không ăn hạt điều (cả hai nhóm đều có chế độ ăn dành cho bệnh tiểu đường). Kết quả nhóm ăn hạt điều có huyết áp thấp hơn và mức cholesterol tốt cao hơn sau 12 tuần. Hạt điều cũng không có tác động tiêu cực đến mức đường huyết, cân nặng người bệnh.

Hạt dẻ cười

Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ), người tiểu đường có chế độ ăn lành mạnh giàu hạt dẻ cười trong 4 tuần có tỷ lệ cholesterol HDL cao hơn người bệnh ăn kiêng thông thường, không ăn hạt dẻ cười. Người ăn nhiều hạt dẻ cười cũng có mức chất béo trung tính thấp hơn và sức khỏe tim mạch tốt hơn.


Hạt dẻ cười giàu năng lượng, chất béo và chất xơ tốt cho sức khỏe. (Ảnh: Freepik).

Quả óc chó

Các nhà nghiên cứu của Đại học California (Mỹ) phát hiện ra rằng, người ăn quả óc chó trong 24 giờ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường bằng một nửa người không ăn hạt này trong cùng thời gian. Ngoài ra, người có nguy cơ mắc tiểu đường theo có chế độ ăn giàu quả óc chó trong 6 tháng có thể tăng tỷ lệ cholesterol tốt mà không ảnh hưởng tiêu cực đến thành phần cơ thể hay trọng lượng.

Hạnh nhân

Hạnh nhân có nhiều lợi ích cho bệnh nhân tiền tiểu đường và tiểu đường. Nghiên cứu của Đài Loan (Trung Quốc), 20 người tiểu đường ăn 60 g hạnh nhân mỗi ngày trong 12 tuần có mức insulin và đường huyết lúc đói thấp hơn người bệnh ăn chế độ kiểm soát đường huyết, không ăn hạnh nhân. Điều này cho thấy, tiêu thụ hạnh nhân giúp giảm lượng đường trong máu và thành phần lipid ở bệnh nhân tiểu đường. Chế độ ăn giàu hạnh nhân (chiếm 20% tổng lượng calo) cũng cải thiện độ nhạy của insulin và mức cholesterol ở bệnh nhân tiền tiểu đường.

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, tiêu thụ hạnh nhân có thể ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở người tiểu đường. Hạnh nhân có lợi cho tim vì có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Nó cũng giàu chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa, giúp giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt.


Hạnh nhân giàu protein và chất xơ nhưng ít carbohydrate giúp kiểm soát đường huyết và cân nặng. (Ảnh: Freepik).

Hạnh nhân còn là nguồn cung cấp vitamin E góp phần bảo vệ cholesterol chống lại quá trình oxy hóa, cholesterol LDL bị oxy hóa là một yếu tố gây ra bệnh tim. Hạnh nhân cũng giàu magiê, khoảng 28 g chứa hơn 76 mg magiê. Mức magiê trong máu thấp có thể làm tăng nguy cơ tiền tiểu đường và tiểu đường. Do đó, ăn hạt này có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Người bệnh nên chọn các loại hạt không ướp muối, tránh loại có phủ đường, mật ong hoặc chocolate. Muối có thể làm tăng huyết áp và các vấn đề về tim, còn đường là một loại carbohydrate không tốt cho bệnh tiểu đường.

Cập nhật: 18/09/2024 Theo Pháp luật và bạn đọc/VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video