Trong chiến lược phát triển công nghệ sinh học nhằm bắt nhịp với xu hướng trên thế giới, TP.HCM đang tiến hành một dự án mang tầm khu vực Đông Nam Á là xây dựng một trung tâm công nghệ sinh học, một trong các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2006-2010.
Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM (HCMBIOTECH) với khuôn viên khoảng 23ha sẽ là nơi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ gen vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất vắcxin và dược sinh học.
Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc HCMBIOTECH, cho biết trung tâm là một mô hình kiểu mới với 4 chức năng nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng các đề tài khoa học liên quan đến công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, y tế và môi trường.
Trung tâm sẽ tiếp nhận chuyển giao, dịch vụ tư vấn và triển khai các công nghệ, kỹ thuật hiện đại về công nghệ sinh học để sản xuất các sản phẩm sinh học; đào tạo thực nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật về công nghệ sinh học nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, sản xuất; tổ chức sản xuất kinh doanh, thương mại hóa các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực công nghệ sinh học.
Dự kiến trong 3 năm (2006-2008), trung tâm sẽ hoàn thành giai đoạn 1 với việc xây dựng khu nhà hành chính, khu thực nghiệm, các phòng thí nghiệm, nơi làm việc cho khoảng 200 cán bộ nghiên cứu. Giai đoạn 2 của dự án sẽ hoàn thành vào năm 2010.
Ngay từ bây giờ, việc đào tạo cán bộ làm việc cho trung tâm đã được tiến hành với việc lựa chọn cán bộ khoa học đưa đi đào tạo trong và ngoài nước. Tiến sĩ Dương Hoa Xô cho rằng đây là việc rất quan trọng và cũng là điều lo lắng nhất hiện nay của lãnh đạo trung tâm. Lực lượng cán bộ khoa học của trung tâm phải có tối thiểu 200 người để đáp ứng nhu cầu phát triển đến năm 2010.