Trái đất hình cầu nhưng vì sao chúng ta chỉ nhìn thấy phẳng?

Xa xưa, con người cho rằng Trái đất có hình một chiếc đĩa phẳng tròn hoặc vuông và cho tới ngày nay một số người vẫn tin vào thuyết Trái đất phẳng.

Kể từ khi người Hy Lạp cổ đại quan sát được bầu trời và Mặt trăng tròn, các nhà khoa học đã biết rằng Trái đất có hình cầu.


Bức ảnh một cơn bão nhiệt đới nhìn từ Trạm Vũ trụ Quốc tế cho thấy rõ bề mặt Trái đất uốn cong (Ảnh: NOAA/Getty Images).

Ngày nay, chúng ta được xem rất nhiều bức ảnh Trái đất nhìn từ không gian do các nhà du hành vũ trụ chụp hoặc do các vệ tinh trên quỹ đạo gửi về. Nhưng vì sao chúng ta không nhìn thấy Trái đất tròn khi đứng trong một công viên hay nhìn ra ngoài cửa sổ?

Câu trả lời là do góc nhìn. Con người là những sinh vật rất bé nhỏ sống trên một quả cầu vô cùng to lớn.

Hãy tưởng tượng bạn là một nghệ sĩ trong rạp xiếc, đang đứng trên một quả bóng đường kính khoảng 1m. Khi nhìn xuống quả bóng, bạn sẽ thấy nó uốn cong theo mọi hướng.

Bây giờ bạn hình dung một con ong đậu trên quả bóng đó, vì nó nhỏ hơn rất nhiều so với quả bóng nên không thể nhìn thấy toàn bộ quả bóng.

Trái đất có đường kính khoảng 12,8 triệu mét. Ngay cả một người trưởng thành đứng trên mặt đất thì tầm mắt cũng chỉ cách mặt đất khoảng 2m, vì thế chúng ta không thể nhìn thấy toàn bộ khối cầu Trái đất khi đứng trên bề mặt. Thậm chí nếu bạn leo lên đỉnh núi Everest cao 8.850m, bạn cũng không thể thấy Trái đất hình cầu.

Chỉ khi lên đến độ cao 10km bạn mới có thể nhìn thấy cảnh tượng đó, bởi vì chiều dài của đường chân trời chúng ta nhìn thấy được tùy thuộc vào độ cao của chúng ta so với mặt đất.

Khi đứng trên mặt đất và không có vật gì chắn tầm mắt, ta có thể nhìn thấy đường chân trời ở xa khoảng 4,8 km. Khoảng cách này chưa đủ một phần của chu vi Trái đất để nhìn thấy đường chân trời bắt đầu cong.

Để nhìn được toàn bộ Trái đất là một khối cầu, bạn phải bay cao lên tầm cao của các vệ tinh hoặc các con tàu vũ trụ.

Một số máy bay thương mại cỡ lớn cũng có thể bay cao đến mức nhìn thấy bề mặt Trái đất hơi cong, nhưng nhìn từ buồng lái của phi công sẽ thấy rõ hơn là từ ghế ngồi của hành khách.


Trong bức ảnh này chụp từ một chiếc máy bay bay qua Colorado, Mỹ, bề mặt Trái đất được quan sát thấy là cong chứ không phẳng (Ảnh: Paul Comstock/ Flickr, CC BY).

Thậm chí là từ không gian, bạn cũng không thể phát hiện ra một điều quan trọng về hình dạng của Trái đất. Đó là hành tinh của chúng ta không hoàn toàn tròn.

Trên thực tế, Trái đất là một hình cầu hơi dẹt, hay còn gọi là hình elip. Đường kính ở chỗ phình nhất là đường xích đạo lớn hơn một chút so với chiều cao của nó.

Nguyên nhân là do hiện tượng xoay quanh mình của Trái đất tạo ra lực ly tâm. Lực này khiến Trái đất phình ra một chút ở phần "eo". Ngoài ra, các đặc điểm địa hình trên bề mặt, như núi và rãnh biển sâu, cũng làm biến đổi hình dạng của khối cầu này do cường độ trọng trường của Trái đất bị thay đổi.

Khoa học Trái đất có một ngành gọi là trắc địa học, chuyên nghiên cứu hình dạng của Trái đất và tìm hiểu vị trí của hành tinh chúng ta trong vũ trụ.

Trắc địa học cung cấp rất nhiều thông tin, từ việc xây dựng hệ thống thoát nước và lập bản đồ mực nước biển dâng cho đến phóng và theo dõi các con tàu vũ trụ. Đây là một lĩnh vực quan trọng trong nghiên cứu khoa học hiện nay.

Cập nhật: 20/11/2024 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video