Tranh cãi quanh "ảnh Chúa Jesus" trên tấm vải liệm thành Turin

Tấm vải liệm thành Turin là một trong những biểu tượng tôn giáo thiêng liêng nhất Trái Đất, được hàng triệu tín đồ Cơ Đốc giáo trên thế giới coi là tấm vải dùng để liệm xác và lưu giữ hình ảnh Chúa Jesus.

"Ảnh Chúa Jesus" trên tấm vải liệm thành Turin gây tranh cãi

Theo National Geographic, hơn 117 năm kể từ ngày ảnh âm bản của tấm vải lanh có dáng người đàn ông râu quai nón, người đầy vết tra tấn được cho là Chúa Jesus, rất nhiều nhà khoa học đã vào cuộc và gây ra các cuộc tranh cãi bất tận.


Hình ảnh người đàn ông râu quai nón với các dấu vết tra tấn trên tấm vải được cho là Chúa Jesus. (Ảnh: EPA)

Năm 1969, nhóm 33 nhà khoa học do Mỹ dẫn đầu được phép kiểm tra trực tiếp tấm vải, để chuẩn bị tư vấn kỹ thuật bảo quản và xét nghiệm trong tương lai. Lần tiếp cận này là tiền đề để các nhà khoa học được phép tiếp cận tấm vải lần nữa trong 5 ngày liên tục năm 1978.

Nhóm nghiên cứu mang theo 7 tấn thiết bị, làm việc cật lực 24/24 giờ, dưới sự giám sát của một hiệp hội các nhà khoa học châu Âu. Cuối cùng, họ kết luận không có tác động của con người vào các dấu vết trên tấm vải.

"Những hình ảnh trên tấm vải thực sự là của một người đàn ông, bị đóng đinh và tra tấn. Các dấu vết trên tấm vải là vết máu, có chứa các thành phần của máu như hemoglobin (thành phần của hồng cầu) và abumin (thành phần của huyết tương)," báo cáo của nhóm nghiên cứu công bố năm 1981 cho biết. Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận chưa thể giải thích hết các bí ẩn của tấm vải.

Năm 1988, Tòa Thánh Vatican cho phép các nhà khoa học kiểm tra tấm vải bằng phương pháp đồng vị phóng xạ carbon 14. Một góc nhỏ của tấm vải được gửi tới ba phòng thí nghiệm khác nhau, thuộc Đại học Oxford, Đại học Arizona và Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ. Cả ba đều có chung kết luận tấm vải ra đời giữa năm 1260-1390, hơn một nghìn năm sau khi Chúa Jesus qua đời.

Kết quả này càng trở nên thuyết phục khi nó trùng với các tài liệu đầu tiên viết về tấm vải có từ năm 1353. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra bằng máy tính sau này cho thấy, tuổi của tấm vải xác định bằng phương pháp này không thực sự đáng tin.

"Tuổi của mẫu vải phía đầu và cuối tấm vải liệm không giống nhau," nhà thống kê Riani thuộc Đại học Roma cho biết năm 2000. "Nghiên cứu của chúng tôi không khẳng định tấm vải là thật hay tuổi của nó là 2.000 năm, nhưng dựa vào phương pháp đồng vị carbon để nói tấm vải thời trung cổ mới có là chưa chính xác."

Sự khác biệt này có thể do "hiệu ứng pha loãng" carbon 14 - một đồng vị carbon phóng xạ. Đây là nguyên tố trong khí quyển, thực vật hấp thụ trong quá trình quang hợp. Lượng carbon này chuyển qua các loài động vật khi chúng ăn thực vật.

Khi động thực vật chết đi, carbon 14 phóng xạ mất dần, trong khi các đồng vị carbon không phóng xạ không đổi. Vì vậy, với các mẫu vật hữu cơ, các nhà khoa học chỉ cần tính tỉ lệ carbon phóng xạ so với các đồng vị carbon không phóng xạ của mẫu vật là sẽ xác định được tuổi của chúng.

Phương pháp này đã được sử dụng phổ biến trong nhiều thập kỷ để xác định khá chính xác tuổi của các cổ vật. Đây cũng là cách để phát hiện các cổ vật giả. Tuy nhiên, việc gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thải nhiều carbon hơn vào khí quyển đã và đang ảnh hưởng tới tính chính xác của phương pháp này. Cụ thể, nếu có quá nhiều carbon không phóng xạ từ khí thải bị hấp thụ, tỉ lệ này sẽ bị "pha loãng", khiến đồ vật mới có tỉ lệ carobon tương đương cổ vật. Với tốc độ khí thải nhà kính như hiện nay, tới năm 2050, quần áo mới có thể cùng tỉ lệ hai loại carbon với các cổ vật 1.000 tuổi.


Mô phỏng hình ảnh trên tấm vải (trái) và hình ảnh cũ (phải) theo kích cỡ thật. (Ảnh: Marco Ansaloni/NG)

Một câu hỏi nữa cũng chưa được giải đáp, đó là cách hình ảnh trên tấm vải hình thành. Mọi cố gắng tái hiện hình ảnh giống như cách nó được in trên tấm vải liệm đều thất bại. Khi nhuộm màu một tấm vải lanh, màu nhuộm chỉ thấm xuống một lớp mỏng, nhỏ hơn 0,7 micromet - tương đương 1/30 đường kính một sợi vải, chứ không ăn sâu như lớp màu trên tấm vải thật.

Nhà vật lý Paolo Di Lazzaro và đồng nghiệp thuộc Cơ quan quốc gia về Công nghệ, Năng lượng và Phát triển Kinh tế bền vững (ENEA), Italy, đã tiến hành các thí nghiệm trong 5 năm, cố gắng tái tạo hình ảnh giống như trên "tấm vải liệm thành Turin."

Trong nghiên cứu công bố năm 2011, đội nghiên cứu cho biết đã dùng tia cực tím công suất cao bắn vào tấm vải, nhưng cũng chỉ tái tạo được gần đúng màu sắc giống với vài cm vuông trên tấm vải, chứ không thể tái tạo toàn bộ đặc tính vật lý cũng như hóa học của hình ảnh trên tấm vải, cũng như tái hiện toàn bộ hình ảnh "Chúa Jesus bị đóng đinh."

Theo Lazzaro, họ sử dụng tia cực tím hiện đại nhất trong thế kỷ 21. Nó đòi hỏi "các xung thời gian ngắn hơn 1/40 tỷ của một giây, và cường độ vào cỡ vài tỷ watt." Nếu công nghệ hiện đại nhất hiện nay cũng không làm được, thì người ta làm giả nó ở thời trung cổ bằng cách nào? Nhà vật lý đặt câu hỏi.

Tòa Thánh Vatican không đưa ra thông báo chính thức nào về tính xác thực của tấm vải, nhưng nó làm tăng niềm tin của các tín đồ vào Chúa. Giáo hoàng John Paul II từng phát biểu năm 1998: "Giáo hội trao quyền cho các nhà khoa học tiếp tục tìm kiếm sự thật."

Bất chấp những tranh cãi về tấm vải, nhiều người vẫn tin rằng, tấm vải đóng vai trò tâm linh quan trọng.

"Tôi tin điều đó là thật. Tôi tin tưởng từ tận đáy lòng," Marco Mazzoni, một người Italy đến xem tấm vải liệm trưng bày hồi tháng 5 ở nhà thờ Turin, nói. "Nó thể hiện sự đau đớn của Chúa Jesus, và sự hy sinh của ngài vì tất cả mọi người."

Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video