Tấm vải lanh được cho là liệm xác chúa Jesus và lưu giữ hình ảnh ngài khi còn sống, lần đầu tiên được trưng bày sau 5 năm gián đoạn ở nhà thờ Turin, miền bắc Italy.
Theo AP, tấm vải liệm được trưng bày từ 19/4 đến 24/6. Thị trưởng Turin cho biết, hơn một triệu người đã đặt vé trực tuyến để vào xem tấm vải. Lần gần nhất tấm vải được trưng bày là năm 2010, thu hút hơn 2,5 triệu người tham quan.
Người dân đến xem tấm vải liệm ở nhà thờ Turin. (Ảnh: AP)
Cesare Nosiglia, tổng giám mục thành phố Turin, cho rằng người dân thuộc mọi tôn giáo sẽ đến xem tấm vải lần này.
"Thậm chí cả người không tôn giáo cũng sẽ đến," ông nói. "Đây là dịp đưa mọi người sát lại gần nhau, phản đối tình trạng bạo lực đang diễn ra khắp thế giới. Đây là dịp chỉ chúng ta biết cách xây dựng một thế giới không bạo lực, mà tràn ngập tình thương."
Tấm vải được bảo quản trong lớp kính chống ẩm. Mặt vải dệt hoa văn xương cá, họa tiết trang trí phổ biến thời đại Chúa Jesus. Tấm vải được cho là bọc thân xác ngài sau khi bị đóng đinh.
Tuy nhiên, cho đến nay, niên đại chính xác của tấm vải vẫn đang gây tranh cãi trong giới khoa học và tôn giáo.
Năm 1988, các nhà nghiên cứu từ ba trường đại học đã công bố kết quả xét nghiệm bằng phương pháp đồng vị phóng xạ C14, cho thấy tấm vải được làm ra trong khoảng thời gian 1260-1390, hơn 1.000 năm sau khi Chúa Jesus bị đóng đinh.
Một thập kỷ sau, Anastasio Alberto Ballestro, tổng giám mục Turin, cho rằng kết quả trên là một âm mưu làm mất uy tín của Giáo hội Công giáo La Mã. Năm 1998, Giáo hoàng John Paul II kêu gọi thực hiện nhiều nghiên cứu và phân tích hơn nữa về tấm vải.
Bất chấp những tranh cãi về tấm vải, nhiều người vẫn tin rằng, tấm vải đóng vai trò tâm linh quan trọng.
"Tôi tin điều đó là thật. Tôi tin tưởng từ tận đáy lòng," Marco Mazzoni, một người Italy đang lên kế hoạch đến xem tấm vải vào tháng 5 tới cho biết. "Nó thể hiện sự đau đớn của Chúa Jesus, và sự hy sinh của ngài vì tất cả mọi người."