Sau nhiều năm nghi ngờ và tranh cãi, các nhà khoa học tại Đại học North Carolina khẳng định rằng cây cũng có thể gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, do tác động với nitrogen oxide.
Giới khoa học biết rằng cây sản sinh isoprene, một dạng phân tử dồi dào trong không khí có khả năng bảo vệ lá khỏi bị oxygen làm tổn hại và sự thay đổi nhiệt độ thất thường.
Từ năm 2004 đã có luận chứng cho rằng isoprene liên quan đến quá trình sản sinh những vi hạt có thể bám vào phổi, dẫn đến khả năng ung thư phổi, bệnh suyễn và gây hại cho mô. Tác động của isoprene và lợi ích vốn có lâu nay của cây xanh là chủ đề tranh cãi từ đó đến nay.
Lần này, PGS Jason Surratt và cộng sự nêu lên cơ chế qua đó isoprene góp phần sản sinh dạng vi hạt gây hại cho sức khỏe. Nghiên cứu mới cho rằng dưới ánh nắng mặt trời, isoprene phản ứng với nitrogen oxide - những chất gây ô nhiễm bắt nguồn từ khí thải - để hình thành những hạt cực nhỏ nói trên.
Ông Surratt đề xuất cần giảm chất gây ô nhiễm do con người tạo ra trên khắp thế giới. Isoprene bảo vệ cây nhưng vì có sự hiện diện của nitrogene oxide, nó có tác dụng tiêu cực đến sức khỏe và môi trường. Chúng ta không thể chặt bỏ cây nhưng có thể tác động để con người giảm bớt khí thải nhằm hạn chế sự sản sinh vi hạt có hại.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Proceeding of the National Academy of Sciences.