Nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học bức xạ quốc gia Nhật Bản (NIRS) ngày 27/1 cho biết mức phơi nhiễm phóng xạ trong tuyến giáp trạng của trẻ 1 tuổi sống xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) được xác định là dưới 30 milisievert (mSv) trong hầu hết các ca thăm khám.
Con số này thấp hơn nhiều so với ngưỡng phơi nhiễm 50mSv mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khuyến cáo sử dụng thuốc iốt để ngăn chặn phơi nhiễm.
Kiểm tra phơi nhiễm phóng xạ ở trẻ em
Nhóm nghiên cứu NIRS cũng đưa ra kết quả tính toán trên thông qua các dữ liệu khác nhau, trong đó có kết quả kiểm tra tuyến giáp đối với khoảng 1.000 em nhỏ ở tỉnh Fukushima, nơi đặt nhà máy Fukushima số 1, được tiến hành ngay sau khi cuộc khủng hoảng hạt nhân xảy ra cũng như các đo đạc về liều phơi nhiễm tích lũy các chất phóng xạ đối với cơ thể con người.
Kết quả tính toán này được thông báo tại một hội thảo quốc tế ở Tokyo ngày 27/1.
Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu, Osamu Kurihara, cho biết: “Phát hiện này là một tín hiệu khả quan cho người dân sống gần nhà máy nhưng dữ liệu không phản ánh các hoạt động cụ thể của mỗi người” vào thời điểm nhà máy gặp sự cố lớn do động đất và sóng thần hôm 11/3/2011.
Ông Kurihara khẳng định: “Từ giờ, chúng tôi cần tăng độ chính xác của nghiên cứu này".
Sau thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ucraina năm 1986, căn bệnh ung thư tuyến giáp lan rộng trong số các trẻ em sống gần nhà máy.
Sau cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima, cơ quan pháp quy hạt nhân của Nhật Bản đang cân nhắc việc thúc giục chính quyền các cấp chuẩn bị phân phát thuốc viên iốt giúp ngăn chặn nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp một khi xảy ra các sự cố hạt nhân.