Trị bệnh ung thư bằng virus

Virus... cũng có lợi! Ít nhất đó là điều mà các nhà khoa học Anh định làm: Dùng virus cúm và virus bệnh đậu mùa để trị bệnh ung thư.

Các nhà khoa học Anh dự tính từ năm nay sẽ bắt đầu tiến hành dùng virus cảm cúm và virus bệnh đậu mùa để thí nghiệm lâm sàng trên cơ thể người chữa bệnh ung thư. Trước đó, kết quả nghiên cứu sơ bộ trên chuột cho thấy, các loại virus này có hiệu quả trong việc tiêu trừ khối u.

Ảnh chụp tế bào u trong cơ thể người bệnh ung thư. (Ảnh: news-medical.net)

Mới đây, tờ "Guardian" của Anh đã dẫn lời của giáo sư Lennard Seymour thuộc trường Đại học Oxford, cho biết họ cần phải có thêm nhiều năm thí nghiệm lâm sàng trên người thì mới có thể chứng minh hiệu quả chữa trị của hai loại virus nói trên.

Nếu thành công thì phương pháp chữa bệnh bằng virus sẽ trở thành một phương pháp tiêu chuẩn đối phó với bệnh ung thư sau hai phương pháp hoá trị và trị xạ. Đồng thời, có thể tránh được những tác dụng phụ nghiêm trọng.

Phương pháp chữa trị bằng virus này được coi như "lấy độc trị độc". Trước tiên họ tìm cách đưa một lượng nhỏ virus vào bên trong tế bào ung thư. Do không có sự gây nhiễu của hệ thống miễn dịch nên virus sẽ nhân bản không hạn chế, dẫn đến sự chia tách và làm chết tế bào ung thư.

Virus lại tiếp tục xâm nhập vào các tế bào ung thư gần đó và lặp lại quá trình trên.

Từ lâu nay, rất nhiều bài viết về khả năng giết chết tế bào ung thư của virus đã được đăng tải trên các tạp chí nghiên cứu khoa học. Các nhà khoa học Mỹ cũng đã từng thử trực tiếp tiêm virus vào trong khối u, nhưng do không tìm được vị trí của tế bào ung thư, hoặc tế bào ung thư đã lan rộng trên khắp cơ thể nên phương pháp tiêm trực tiếp đã bị mất đi tác dụng.

Giáo sư Seymour cho biết, họ không dùng phương pháp tiêm trực tiếp mà thông qua máu đưa virus đến bộ phận bị ung thư. Điểm khó của phương pháp này là làm thế nào để bảo đảm virus không bị hệ thống miễn dịch của cơ thể tiêu diệt trên đường truyền.

Cách làm của họ là "sửa chữa bằng hoá chất" cho virus, bọc cho virus một lớp vỏ bọc bằng polymer để chúng có thể "tàng hình" và tránh được sự phát hiện của hệ thống miễn dịch.

Khi thí nghiệm lâm sàng trên người, virus gây cảm mạo và virus gây bệnh đậu mùa mà họ sử dụng đều đã qua xử lý làm giảm khả năng gây bệnh. Nhưng Giáo sư Seymour hy vọng, họ sẽ có thể sử dụng loại virus chưa qua xử lý.

Tuyết Nhung

Theo Nhân dân nhật báo, VietNamNet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video