Phim ảnh, sách báo khoa học viễn tưởng luôn hào hứng với ý tưởng tạo ra một chủng tộc người có trí thông minh siêu phàm. Tuy nhiên, hai chuyên gia uy tín khẳng định nếu ý tưởng này thành hiện thực, đó sẽ là thảm họa đối với con người.
Chuyên gia sinh học thần kinh lý thuyết Mark Changizi và nhà triết học Mark Walker đã dành nhiều thời gian suy ngẫm về vấn đề trên hơn hầu hết mọi người khác. Trong một cuộc phỏng vấn với trang io9, cả hai đã giải thích tại sao việc sở hữu trí thông minh siêu phàm lại là thảm họa đối với con người.
Hai học giả Changizi và Walker tin rằng, lượng trí thông minh dư thừa quá mức so với bình thường có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với chủ thể, dẫn đến sự kém thích nghi, các hành vi chống lại xã hội và cả chứng rối loạn tâm thần. Quan điểm mới này được công bố đúng vào thời điểm mọi người đang ám ảnh với trí thông minh, chỉ số thông minh (IQ) và việc theo đuổi tri thức bất tận.
Ông Changizi và ông Walker cũng cho rằng "trí thông minh siêu phàm" là một khái niệm phức tạp, do chúng ta hiện còn khó đưa ra một định nghĩa chính xác về trí thông minh và các yếu tố như đạo đức cũng như sự thấu cảm có thể không được chú ý tới.
Nhà khoa học Changizi lý giải, mấu chốt của vấn đề là cách chúng ta định nghĩa trí thông minh và cách chúng ta ám chỉ khi nói muốn tạo ra những con người có trí thông minh siêu phàm. Theo ông, mọi người có xu hướng coi trí thông minh không phải là thứ bộ não người giỏi một cách đặc biệt, chẳng hạn như khả năng chơi cờ hoặc giải quyết các vấn đề logic. Cụ thể hơn là, những thứ con người giỏi một cách tự nhiên, đến một cách bản năng, thường không được xem là do trí thông minh của chúng ta.
Ông Changizi nói, mọi người không nhận thức được bộ não của họ đang thực hiện các quá trình xử lý như trên, nên có xu hướng phủ nhận chúng có liên quan đến trí thông minh.
Nhà triết học Walker tán đồng rằng, mọi người có xu hướng đơn giản hóa thái quá quan điểm về trí thông minh hay đưa nó vào phân loại hẹp. Ông nêu ví dụ, có những người được coi là thông minh khi rất giỏi làm toán nhưng gần như không thể diễn đạt các câu từ hoàn chỉnh, dễ hiểu.
Ông Walker lo ngại, nếu con người được trang bị trí thông minh siêu phàm, nó gần như không thể tạo ra sự nổi trội ở tất cả các khía cạnh cấu thành nên trí thông minh. Ông biện giải rằng, vì mọi người coi trọng các khía cạnh khác nhau của trí thông minh nên nếu họ tăng cường khía cạnh thông minh nào đó mà bản thân xem là quan trọng, việc đó có thể dẫn đến những kết cục tồi tệ hơn.
Chẳng hạn như, một người có thể trở thành thiên tài toán học nhưng hoàn toàn thiếu đi sự thấu cảm hay "trí thông minh" về đạo đức. Điều này, theo ông Walker, có thể dẫn đến việc con người sử dụng tài năng của họ cho các mục đích xấu.
Tuy nhiên, cả hai học giả cùng thừa nhận vẫn có các giải pháp cho vấn đề. Đối với ông Changizi, cách để khiến con người trở nên thông minh hơn là khai thác các bản năng tự nhiên của bộ não. Trong khi đó, ông Walker tin thứ giá trị nhất là tăng cường khả năng hạnh phúc của con người. Theo ông, người vui vẻ, hạnh phúc sẽ thành công hơn trong nhiều lĩnh vực, từ mối quan hệ, công việc tới đời sống xã hội của họ.