Những đống rác được tạo nên bởi máy tính và điện thoại di động hỏng sẽ sớm gây nên những hiểm họa đối với môi trường và sức khỏe của người dân tại những nước đang phát triển.
|
Một cậu bé tại Ghana đốt những máy tính hỏng để lấy kim loại. Hoạt động đốt rác điện tử tạo nên nhiều loại khói độc hại với sức khỏe con người. Ảnh: greenpeace.org. |
Theo AFP, Liên Hợp Quốc vừa công bố một báo cáo về tình hình rác điện tử mang tên "Recycling -- from E-Waste to Resources" vào ngày 22/2, ngay trước thềm cuộc họp của Hội đồng điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc. Báo cáo dự đoán số lượng sản phẩm điện tử bán ra ở những nước như Ấn Độ, Trung Quốc hay các lục địa như châu Phi và châu Mỹ Latinh sẽ tăng nhanh trong 10 năm tới.
Các nhà khoa học của Liên Hợp Quốc đã tập hợp dữ liệu từ 11 nước đang phát triển để dự đoán tốc độ xả các loại rác thải điện tử - như máy tính, máy in, điện thoại di động, tủ lạnh, máy chơi nhạc, tivi, đồ chơi, máy nhắn tin, máy ảnh số - trong hiện tại và tương lai.
Vào năm 2020 lượng máy tính bị vứt bỏ tại Nam Phi và Trung Quốc sẽ tăng 200-400% so với mức của năm 2007. Tại Ấn Độ mức tăng trong khoảng thời gian tương tự là 500%. Số lượng rác từ điện thoại di động hỏng cũng sẽ tăng 7 lần tại Trung Quốc và 18 lần tại Ấn Độ vào năm 2020.
“Báo cáo này cho thấy chúng ta cần phải đề ra những mục tiêu chính thức, đầy tham vọng để thu nhắt và quản lý rác thải điện tử bằng cách xây dựng những trung tâm xử lý rác thải lớn và hiệu quả tại Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất đối mặt với những hiểm họa từ rác thải điện tử. Ấn Độ, Brazil, Mexico và nhiều nước khác cũng sẽ đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường và sức khỏe nếu chính phủ không quan tâm tới hoạt động tái chế rác điện tử”,Achim Steiner, giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, phát biểu.
Steiner khẳng định tái chế rác thải điện tử tại các nước đang phát triển sẽ tạo việc làm, giảm khí thải có hại và thu hồi nhiều kim loại quý như bạc, vàng, đồng, indi.
“Bằng cách hành động ngay từ bây giờ và lập kế hoạch cho tương lai, nhiều quốc gia có thể biển những thách thức từ rác điện tử thành cơ hội kinh tế”, Steiner nhấn mạnh.
Theo báo cáo, hiện tại Trung Quốc tạo ra khoảng 2,3 triệu tấn rác thải điện tử - xếp thứ hai trên thế giới sau Mỹ với khoảng 3 triệu tấn. Trung Quốc cũng là một trong những nơi xả rác thải điện tử của những quốc gia phát triển bất chấp những lệnh cấm nhập khẩu các loại rác như vậy. Phần lớn rác điện tử bị người dân đốt để lấy các kim loại quý. Hoạt động đốt rác tạo ra nhiều loại khói độc.
Báo cáo cũng phát hiện ra rằng: Lượng rác thải điện tử toàn cầu tăng thêm 40 triệu tấn mỗi năm.
Hoạt động sản xuất điện thoại di động và máy tính “ngốn” khoảng 3% lượng vàng và bạc, 13% lượng paladi và 15% lượng coban mà con người khai thác mỗi năm trên toàn thế giới.
Hơn 1 tỉ điện thoại di động được bán khắp thế giới trong năm 2007. Con số này là 896 triệu vào năm 2006.