Trung quốc vừa khánh thành đưa vào sử dụng thử nghiệm ống khói khổng lồ cao 200 feet (61 mét) để hút khí ô nhiễm và nhả ra không khí sạch, trang tin Digitaltrends.com (DTC) của Mỹ ngày 13/3 cập nhật.
Theo DTC, ống khói khổng lồ này còn được gọi là tháp lọc không khí, công trình lớn nhất thế giới xưa và nay, được xây dựng tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, nhằm đối phó với nạn ô nhiễm không khí trầm trọng. Theo ước tính, ô nhiễm không khí ở các thành phố của Trung Quốc là thủ phạm gây ra 350.000 đến 400.000 ca tử vong sớm mỗi năm. Trong số này Tây An, quê hương Hoàng đế Tần Thủy Hoàng một trong những thành phố bị ô nhiễm nặng nhất Trung Quốc hiện nay.
Tháp lọc không khí SALSCS ở Tây An, Trung Quốc.
Không giống hầu hết các ống khói khác, tháp khói này không làm tăng ô nhiễm không khí, mà nó làm nhiệm vụ lọc không khí ngoài trời, loại bỏ những chất độc hại và nhả ra không khí trong lành trở lại không gian.
Ống khói được thiết kế để “lọc” các hạt huyền phù có tên PM2.5, tức các hạt vật chất có kích thước siêu nhỏ, dưới 2,5 micromet, rất nguy hiểm cho hệ thống hô hấp, gia tăng nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch.
Hệ thống lọc không khí trợ giúp bằng năng lượng mặt trời.
Theo giáo sư David Y.H. Pui, người tham gia dự án, tháp lọc không khí nói trên có tên The Solar-Assisted Large-Scale Cleaning System (Hệ thống lọc không khí trợ giúp bằng năng lượng mặt trời), gọi ngắn SALSCS, là tháp hình trụ tròn sử dụng nguyên lý của ngôi nhà xanh với các tấm kính hướng tâm.
Nguyên lý hoạt động của tháp SALSCS có thể tóm tắt như sau, năng lượng mặt trời làm nóng không khí xung quanh và cuốn vào phía dưới các tấm kính, không khí ấm được tăng áp để đi về phía tâm tháp nhờ hiệu ứng hút. Một hệ thống lọc được đặt quanh lối vào tháp để loại bỏ chất ô nhiễm PM2.5, do đó chỉ có không khí sạch thoát ra trên đỉnh của tháp. Bằng cách lắp đặt các tháp SALSCS ở các thành phố lớn, nó sẽ lọc không khí ô nhiễm, làm giảm nồng độ PM2.5. Các tấm kính của SALSCS được phủ các hạt nano để loại bỏ nitrogen oxide, một trong những “tiền chất” của PM2.5 và ozone.
Lắp đặt các tháp SALSCS ở các thành phố lớn, nó sẽ lọc không khí ô nhiễm, làm giảm nồng độ PM2.5.
Mặc dù kết quả chính thức vẫn chưa được công bố nhưng dự án trị giá 2 triệu USD này đã mang lại kết quả khả quan. Qua thử nghiệm cho thấy nồng độ PM2.5 giảm được 19% trong khu vực rộng 10 cây số vuông bao quanh tháp SALSCS ở Tây An, so với các khu vực khác của thành phố.
Dự báo, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ xây dựng một tháp SALSCS lớn khác ở Tây An, có chiều cao 1.000 feet (khoảng 305m) sau đó xây dựng thêm nhiều công trình tương tự tại các thành phố khác của Trung Quốc, trước khi hướng tới mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài.