Trung Quốc đang hoàn thiện trạm nghiên cứu thứ tư và lên kế hoạch thành lập trạm nghiên cứu thứ năm tại Nam Cực, nhằm mở rộng sự hiện diện trên lục địa băng.
Theo China Daily, Trung Quốc đang hoàn tất việc xây dựng cơ sở chính thuộc trạm nghiên cứu thứ 4 của nước này tại Nam Cực, có tên là Taishan. Dự kiến trạm nghiên cứu sẽ hoàn thành trong năm tới.
Trạm nghiên cứu Taishan được xây dựng tại khu vực Princess Elizabeth Land, ở độ cao 2.621m so với mực nước biển. Tòa nhà chính của trạm nghiên cứu sẽ được xây dựng với kiến trúc như một chiếc lồng đèn truyền thống của Trung Quốc. Taishan sẽ được sử dụng vào mùa hè nhằm phục vụ cho nghiên cứu địa chất, sông băng, từ tính trái đất và khoa học khí quyển.
>>> Nga di dời khẩn cấp trạm nghiên cứu Bắc Cực
Tàu phá băng của Trung Quốc mang theo đoàn thám hiểm gồm 256 thành viên tiến về Nam Cực hôm 7/11. (Ảnh: Xinhua)
AFP cho hay, một chiếc tàu phá băng của Trung Quốc mang theo 256 thành viên hôm 7/11 bắt đầu chuyến thám hiểm tới Nam Cực. Đoàn thám hiểm cũng sẽ tiến hành khảo sát địa điểm nhằm thiết lập một trạm nghiên cứu mới của Trung Quốc tại lục địa băng. Đây có thể sẽ là trạm nghiên cứu thứ 5 của quốc gia châu Á này tại Nam Cực.
Qu Tanzhou, giám đốc Cơ quan nghiên cứu Bắc Cực và Nam Cực của Trung Quốc, cho biết việc xây dựng trạm nghiên cứu Taishan và thiết lập một trạm nghiên cứu mới sẽ đảm bảo cho các hoạt động nghiên cứu của nước này được thực hiện trên phạm vi rộng hơn và an toàn hơn.
Các đoàn thám hiểm đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu đặt chân lên lục địa băng từ năm 1984. Trạm nghiên cứu đầu tiên của quốc gia này được thiết lập vào năm 1985. Đến nay, Trung Quốc đã xây dựng ba trạm nghiên cứu tại Nam Cực bao gồm Great Wall, Zhongshan và Kunlun.
Gần 30 quốc gia trên thế giới đã xây dựng các cơ sở nghiên cứu tại Nam Cực, bao gồm Mỹ, Nga, Australia, Anh, Pháp, Argentia. Trong đó Argentina là quốc gia có 13 cơ sở nghiên cứu. Nga có 12 trạm nghiên cứu, Mỹ và Nhật Bản lần lượt có 6 và 5 trạm nghiên cứu.