Trường thọ nhờ gen đột biến

Bên cạnh việc may mắn tránh được những tai nạn trong cuộc sống, một yếu tố cực kỳ quan trọng cho sự trường thọ là sự kết hợp khác thường giữa các gien đột biến có khả năng bảo vệ cơ thể trước những chứng bệnh liên quan đến lão hóa.

Chính bí ẩn di truyền đặc biệt này đã giúp tái khởi động cơ chế sinh hóa cơ thể, cho một số người khả năng sống lâu hơn bình thường.

Phát hiện kể trên của chuyên gia A. Kunkel, Giám đốc Chương trình Di truyền ở Viện Y Boston, và Thomas T.Perls, một bác sĩ lão khoa kỳ cựu ở ĐH Y Boston là một nỗ lực mới nhằm giải mã bí quyết của sự trường thọ.

Trong khuôn khổ dự án nghiên cứu những người sống trăm tuổi, ông A. Kunkel và các đồng nghiệp đã nhận diện được một số gien đặc biệt ở các anh chị em ruột tại Anh. Chuyên gia Kunkel tin rằng những người vốn sở hữu sự kết hợp di truyền hiếm hoi này thường già chậm hơn. Khi đến tuổi 90, họ trông không già hơn mấy so với người 70...

Theo giáo sư - bác sĩ Perls, những người sống trăm tuổi có một “ngoại lệ đặc biệt” về tuổi thọ. Trong quá trình nghiên cứu, ông phát hiện nhiều người trong số họ sống lâu trăm tuổi có các anh chị em ruột thịt hay bà con gần gũi. Trong đó, đáng chú ý nhất là trường hợp một cụ 108 tuổi có người em gái bà con 102 tuổi và 2 người em ruột khác 103 tuổi và 99 tuổi. “Điều này cho thấy khả năng các gia đình này mang những gien đặc biệt có tính năng bảo vệ”.

Ngay sau khi 2 nhà khoa học này gặp nhau, dự án hợp tác nghiên cứu về sự trường thọ đã được khởi động. Chuyên gia Kunkel và giáo sư Perls đã tìm kiếm thêm các đối tượng mới sống trên 100 tuổi thông qua các sinh viên, báo chí và danh sách điều tra dân số. Sau khi lấy các mẫu máu của những người này, các nhà nghiên cứu đã trích mẫu ADN và bắt đầu tìm kiếm các bí mật về di truyền, chủ yếu là những đặc trưng khác thường về ADN.

Sau khi phân tích và so sánh với các mẫu xét nghiệm của những người bình thường, họ phát hiện sự trường thọ của con người thực sự phức tạp về các đặc trưng tiêu biểu vốn chịu ảnh hưởng bởi một số gien. Trên chuyên san Mechanisms of Ageing and Development của ĐH Washington số ra mới đây, các tác giả viết: “ quá nhiều cơ chế bổ sung lẫn nhau đưa đến sự lão hóa, trong khi các gien kiểm soát sự trường thọ ở con người lại quá mờ nhạt, thực sự không dễ dàng cho việc phát hiện. Không như việc kéo dài sự sống ở những sinh vật bậc thấp như giun đũa, nhặng trái cây và ruồi giấm, là chỉ cần sửa đổi một số gien chúng tôi có cảm giác rằng chỉ có một số rất ít gien, khoảng từ 4 đến 6, ở con người có thể có tác dụng như nhau trong việc hỗ trợ kéo dài tuổi thọ”.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu tập trung vào cơ chế di truyền tạo ra gien này trong bộ gien của 308 người, trong đó có 137 anh chị em ruột sống trên 100 tuổi. “Tia hy vọng nằm ở đầu cặp nhiễm sắc thể (NST) số 4, và chúng tôi đã phát hiện mối liên hệ khác thường ở khu vực này với sự trường thọ” – Perls cho biết.

Trong một nghiên cứu khác, hàng trăm người sống trăm tuổi trên thế giới được lấy mẫu máu và các dữ kiện về lịch sử bệnh tật cho việc nghiên cứu tìm kiếm các gien đặc biệt. Các nhà khoa học hy vọng nguồn thông tin và dữ liệu quan trọng này sẽ tiết lộ những manh mối quý báu về sự trường thọ, và xa hơn có thể đưa đến khả năng chế tạo một loại biệt dược cho phép con người thực hiện ước mơ “bách niên giai lão”.

A.HÙNG

Theo NLĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video