Chiếc quan tài bằng đá tuyệt đẹp được tìm thấy trong một ngôi mộ cổ độc nhất vô nhị mà theo các chuyên gia có lẽ phải mất 10 năm để hoàn thiện cùng giá trị không tưởng về chi phí để xây dựng nó. Và điều ngạc nhiên hơn nó lại không phải của các vị vua chúa hay quan chức nào...
Vào đầu thế kỷ mới, nhằm hợp tác với dự án mở rộng của Đại học Sư phạm Nhạn Bắc (Yanbei) ở Trung Quốc, Viện nghiên cứu khảo cổ Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây đã tiến hành khai thác di tích văn hóa trong khu vực đất mới thu được, tổng cộng 11 ngôi mộ thuộc triều Bắc Ngụy đã được tìm thấy, trong đó có 5 ngôi mộ xây bằng gạch, đồng thời các nhà khảo cổ đã tìm thấy một chiếc quan tài đá với phong cách chạm khắc thuộc hoàng cung vô cùng tinh xảo từ một trong số các mộ thất.
Cần bao nhiêu nhân lực và tài sản mới có thể tạo ra một chiếc quan tài độc nhất vô nhị như vậy?
Theo tìm hiểu, các ngôi mộ triều Bắc Ngụy được khai quật lần này nằm cách khu đô thị Đại Đồng 3,5 km về phía tây, trên sườn dốc thoai thoải phía nam núi Mã Phô (Mapu) và phía đông sông Ngự Hà (Yuhe), độ cao so với mực nước biển là 1071 mét. Ban đầu, nhóm khảo cổ tìm thấy một ngôi mộ dốc ở phía nam lăng mộ, dài 61 mét. Lối vào phía trên của ngôi mộ hẹp hơn một chút so với đáy lăng, độ dốc thoai thoải, dài 17 mét và độ dốc là 14°. Ngôi mộ được xây bằng gạch, bốn bức tường hơi nghiêng về phía trong, có những bức tranh tường rất bắt mắt, một trong số đó mô tả cảnh chủ nhân ngôi mộ xuất hành: cánh tay dang rộng, được người hầu hai bên đỡ lấy, thể hiện một sự cao quý. Nét vẽ trên những bức tranh gọn gàng và uyển chuyển, mạch lạc, nhất quán và đầy nhịp điệu, các nhân vật được tạo hình chuẩn mực, trang phục lộng lẫy, phong cách hội họa rất đẹp và tinh tế.
Nét vẽ trên những bức tranh gọn gàng và uyển chuyển.
Điều tuyệt vời nhất trong lăng thất là một chiếc quan tài bằng đá nằm ở trung tâm. Có ba mộ thất nhỏ bên trong, một sâu, có bốn cột, cao 1,8 mét, hình bát giác, khắc hình rồng và hoa sen phủ kín, một yếu tố kiến trúc cổ xưa, toàn bộ nội thất của lăng mộ cũng sang trọng như một cung điện.
Chiếc quan tài đá dài 3,56 mét và rộng 2,05 mét, mặt ngoài chạm khắc hình hoa sen và các hình đầu thú mang tính chất trừ tà truyền thống toát lên vẻ uy nghiêm.
Thật đáng tiếc, lăng mộ này đã bị giới đạo mộ sờ gáy. Mặc dù khi được tìm thấy, cảnh tượng bên trong rất lộn xộn, nhưng chiếc quan tài bằng đá tuyệt đẹp vẫn khiến mọi người ngạc nhiên. Trên chiếc quan tài đá có hai bộ xương người và một chiếc vòng tay bằng bạc, theo đánh giá của các chuyên gia khảo cổ, đó là xương của một người đàn ông trên 50 tuổi, và một người là nữ không dưới 45 tuổi. Lần theo những dòng chữ trong lăng mộ, được biết chủ mộ là cặp vợ chồng Tống Thiệu Tổ (Song Shaozu), một trọng thần triều đại Bắc Ngụy trong thời kỳ năm Thái Hòa.
Kỹ thuật chạm khắc quách đá chính xác và tỉ mỉ.
Triều đại Bắc Ngụy, từ năm đầu tiên (389) đến năm Thái Hòa thứ 18 của Hiếu Văn Đế (494 năm) là một chế độ được thành lập bởi tộc Tiên Ti (Xianbei) – một dân tộc du mục ở phía Bắc Trung Quốc và tồn tại gần một thế kỷ. Kỹ thuật chạm khắc quách đá chính xác và tỉ mỉ cùng phong cách trang trí được thể hiện trong mộ thất được cho là kế thừa kiến trúc gỗ đồng bằng trung tâm, đồng thời còn phản ánh phong cách nghệ thuật độc đáo vào thời đó.
Tuy nhiên vào thời cổ đại công nghệ chưa phát triển. Theo ước tính của các chuyên gia, việc tạo ra chiếc quan tài đá này không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, phải mất hàng chục thợ thủ công lành nghề để làm việc trong tám năm liên tiếp chỉ với công đoạn chạm khắc quan tài đá. Cộng với nội thất trong lăng, phải mất ít nhất mười năm để hoàn thiện. Giá trị của nó nếu tính bằng thực phẩm tại thời điểm đó, tương đương với khẩu phần của 100 gia đình bách tính trong 1 năm.
Thời Nam Bắc triều, chế độ Bắc Ngụy mạnh hơn các triều đại phía Nam và nền kinh tế được phát triển, giới quý tộc thường cướp bóc tài sản và nhân lực của Trung nguyên, đặc biệt là nhiều thợ thủ công lành nghề có kỹ năng đặc biệt. Họ bắt những người này làm nô lệ. Có thể nói, chiếc quan tài đá cực kỳ sang trọng là chứng nhân cho khung cảnh hỗn loạn và phức tạp của xã hội thời đó.