Di chuyển từ từ giữa những hàng cây táo, hai công nhân mới đang kiểm tra các trái chín và mặt đất xem có cần thêm phân bón hay nước tưới không.
Đó là “Mantis” (Bọ ngựa) và “Shrimp” (Tôm), hai con robot nông nghiệp đã được thử nghiệm để thực hiện những nhiệm vụ đơn giản nhằm cắt giảm chi phí, nhắm tới một nền sản xuất nông nghiệp với hiệu quả kinh tế cao hơn ở Úc, quốc gia xuất khẩu 39,6 tỉ AUD (38,8 tỉ USD) nông sản trong năm 2012.
Là một quốc gia nông nghiệp hàng đầu, nhưng có mức lương tối thiểu tới 15,96 AUD mỗi giờ và lực lượng lao động có hạn, Úc có động cơ lớn cơ giới hóa ngành sản xuất này bằng các công nghệ mới, như robot hay máy bay không người lái. Thị trường châu Á khổng lồ là mục tiêu, với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng và nhu cầu tăng nhanh cho các sản phẩm lương thực thực phẩm chất lượng cao, an toàn, từ trái cây cho tới thịt bò.
“Áp dụng công nghệ mới là điều sống còn để Úc tiếp tục duy trì khả năng cạnh tranh trong ngành nông nghiệp toàn cầu - Luke Matthews, chiến lược gia về kinh doanh hàng hóa ở Ngân hàng Commonwealth, Úc, nói - Nếu không áp dụng công nghệ mới, chúng tôi sẽ không thể biến những tham vọng với thị trường châu Á khổng lồ thành hiện thực”.
Robot hái táo của Úc - (Ảnh: nbcnews.com)
Nông nghiệp hiện chiếm 2% GDP của Úc, nhưng chính quyền Canberra dự đoán con số này sẽ đạt 5% vào năm 2050. Úc hiện là nhà xuất khẩu lúa mì lớn thứ hai thế giới, với các công nghệ đã được áp dụng để tăng năng suất bao gồm chụp ảnh theo dõi cánh đồng qua vệ tinh giúp nông dân xác định các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu suất của đất nhằm đưa ra những quyết định tối ưu trong việc xử lý phân bón và nước tưới.
Một robot có thể thu hoạch trái cây thực sự hiệu quả còn chưa thành hiện thực, nhưng những bước đi ban đầu là rất hứa hẹn. Salah Sukkarieh, giáo sư về tự động hóa và công nghệ thông minh ở Đại học Sydney, người phát triển các robot Mantis và Shrimp, nói ông còn muốn robot thực hiện những nhiệm vụ phức tạp hơn như tưới nước.
“Chúng tôi đã lắp đặt vào robot nhiều thiết bị cảm ứng, rađa, bao gồm các bộ cảm ứng GPS và cảm ứng nhiệt”, Reuters dẫn lời Sukkarieh. Công nghệ này sẽ được áp dụng nhiều nhất trong nghề trồng cây ăn trái, lĩnh vực nông nghiệp lớn thứ ba ở Úc với xuất khẩu 1,71 tỉ USD mỗi năm. Các robot và thiết bị bay không người lái được nghiên cứu và sáng chế ở Đại học Sydney đã hoàn tất một số thử nghiệm trên thực địa tại nông trại ở Mildura, bang Victoria, theo lời Sukkarieh.
Có bánh xe và chiều cao ngang tầm một người trưởng thành, robot Mantis có 16 thiết bị cảm nhận màu sắc có thể nhận ra 12 cấp độ màu khác nhau, giúp nó phân biệt hoa quả chín và chưa chín. Mắt người chỉ phân biệt được khoảng bốn cấp độ màu khác nhau. Sự phân biệt cấp độ màu của trái cây cũng giúp robot xác định việc tưới cây và bón phân.
“Nếu ngày mai có một nông dân trồng táo, cam hay cà chua muốn có một robot biết thu hoạch đáng tin cậy và chính xác, chúng tôi có thể cung cấp trong sáu tháng hoặc một năm. Vấn đề là phải làm chúng thông minh hơn”, Sukkarieh giải thích. Tuy nhiên, một số nông dân cũng tỏ ra nghi ngờ. “Táo nói chung là phải thu hoạch bằng tay, do chúng dễ bị hỏng và bầm giập”, Lucinda Giblett, giám đốc vườn táo Newton, bang Western Australia, nói.