Loại tua-bin gió dựa trên công nghệ vi cơ điện tử (MEMS) do các nhà nghiên cứu Đại học Texas tại Arlington (Mỹ) phát triển có thể biến đổi năng lượng gió thành điện năng cung cấp trực tiếp cho các thiết bị tiêu thụ điện năng thấp, bao gồm điện thoại thông minh.
>>> Cánh đồng tua bin gió lớn nhất châu Phi
Ảnh: Gizmag
Theo Giáo sư JC Chiao và Tiến sĩ Smitha Rao, một hạt gạo có thể chứa 10 chiếc cối xay gió như vậy. Về mặt kỹ thuật, tua-bin gió siêu nhỏ được thiết kế với 3 cánh quạt có đường kính 1,8mm và đặt trên một trục cao khoảng 2mm. Nó bao gồm một máy phát điện mini được kết nối với pin của điện thoại hoặc các thiết bị điện khác.
Tuy có kích thước rất nhỏ nhưng loại tua-bin gió này rất bền chắc do được làm từ hợp kim niken cùng thiết kế khí động học thông minh.
Nhóm nghiên cứu khẳng định có thể gắn hàng trăm tua-bin gió vào vỏ điện thoại, máy tính bảng hoặc các thiết bị bỏ túi khác để đến khi thiết bị cạn pin, người dùng chỉ cần cầm thiết bị vẫy trong không khí vài lần hoặc đặt nó ở cửa sổ hay trước quạt máy vài phút là có thể dùng tiếp.
Hiện nhóm nghiên cứu đang đăng ký bằng sáng chế cho thiết bị của mình và Giáo sư Chiao hy vọng ý tưởng sẽ được thương mại hóa, mang lại nguồn quỹ phát triển cho bộ phận kỹ thuật của trường. Trước đó, nhóm nghiên cứu của ông từng thành công với nhiều phát minh siêu nhỏ giúp ích cho ngành y, bao gồm một cảm biến mini có thể đưa vào tĩnh mạch để đo độ pH trong máu, giúp đánh giá các phản ứng sinh hóa trong cơ thể.