Tuần hoàn kém: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tuần hoàn kém có thể dẫn đến một loạt các biến chứng từ đau nhức nhẹ và tổn thương dây thần kinh ở bàn chân đến bệnh động mạch ngoại biên (PAD), đau tim và đột quỵ.

Hệ thống tuần hoàn có chức năng gửi máu, oxy và chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể. Khi lưu lượng máu đến một bộ phận cụ thể của cơ thể bị giảm, bộ phận đó sẽ không nhận được các chất dinh dưỡng thiết yếu và bạn có thể gặp các triệu chứng tuần hoàn kém.

1. Triệu chứng tuần hoàn kém

Các triệu chứng phổ biến nhất của tuần hoàn kém bao gồm:

  • Cơ bắp bị đau hoặc cảm thấy yếu khi bạn đi bộ
  • Cảm giác ngứa ran ở tay và chân
  • Màu da nhợt nhạt hoặc xanh
  • Ngón tay hoặc ngón chân lạnh
  • Tê liệt
  • Đau ngực
  • Sưng tấy ở chi dưới
  • Tĩnh mạch phồng lên
  • Rụng lông ở tay hoặc chân
  • Mệt mỏi

Mỗi tình trạng dẫn đến tuần hoàn kém cũng có thể gây ra các triệu chứng riêng. Ví dụ, những người mắc bệnh động mạch ngoại biên có thể bị rối loạn cương dương cùng với các cơn đau, tê và ngứa ran điển hình.


Ngứa ran, đau tê ở tay và chân là dấu hiệu điển hình của tuần hoàn kém. (Ảnh: Internet).

2. Nguyên nhân gây tuần hoàn kém

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tuần hoàn kém, trong đó có thể kể đến các nguyên nhân phổ biến:

2.1. Bệnh động mạch ngoại biên

Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) là một loại bệnh mạch máu ngoại biên. Đây là tình trạng tuần hoàn gây hẹp động mạch, có thể dẫn đến tuần hoàn kém ở tứ chi, điển hình là ở chân.

Trong một tình trạng liên quan gọi là xơ vữa động mạch, động mạch cứng lại do mảng bám tích tụ trong động mạch và mạch máu. Cả hai tình trạng đều làm giảm lưu lượng máu đến tứ chi và có thể dẫn đến đau đớn.

Giảm lưu lượng máu ở tứ chi của bạn có thể gây ra các triệu chứng như: tê và ngứa ran, nhức, đau và sưng tấy chân. Theo thời gian, tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương thần kinh và mô.

Nếu không điều trị, lưu lượng máu giảm và mảng bám trong động mạch cảnh có thể dẫn đến đột quỵ. Động mạch cảnh là những mạch máu chính đưa máu đến não của bạn. Nếu mảng bám tích tụ trong động mạch tim, bạn có nguy cơ bị đau tim.

Bệnh động mạch ngoại vi phổ biến ở người lớn trên 50 tuổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến người trẻ tuổi. Nguy cơ phát triển bệnh ở những người hút thuốc cao gấp 4 lần so với những người không hút thuốc.


Động mạch ngoại biên có thể dẫn đến tuần hoàn kém ở tứ chi, điển hình là ở chân. (Ảnh: Internet).

2.2. Cục máu đông

Các cục máu đông chặn dòng máu chảy một phần hoặc toàn bộ. Chúng có thể phát triển ở hầu hết mọi nơi trên cơ thể bạn, nhưng cục máu đông phát triển ở tay hoặc chân của bạn có thể dẫn đến các vấn đề về tuần hoàn. Cục máu đông là một yếu tố nguy hiểm đối với sức khoẻ.

Trong huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), cục máu đông phát triển trong tĩnh mạch sâu trong cơ thể, thường ở chân. Nếu bạn bị DVT và cục máu đông ở chân vỡ ra, nó có thể đi qua các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả tim hoặc phổi. Tình trạng rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến đột quỵ, đau tim hoặc tắc mạch phổi.

Các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) bao gồm: đau, sưng tấy, đỏ hoặc nóng da ở khu vực bị ảnh hưởng.

Những người ít vận động có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) hơn. Do đó, duy trì lối sống lành mạnh là chìa khoá giúp ngăn ngừa tình trạng nguy hiểm này.

2.3. Giãn tĩnh mạch

Giãn tĩnh mạch là tình trạng tĩnh mạch bị giãn rộng, thường ở chân. Tình trạng này có thể phát triển khi có thêm áp lực lên các mạch máu ở chi dưới hoặc do mạch máu bị tổn thương.

Nếu bạn bị giãn tĩnh mạch, bạn có thể cảm thấy các triệu chứng sau ở chân: sự căng tức hoặc có cảm giác nặng chân, đau nhức, ngứa ngáy, cảm giác nóng ran như kiến bò ở bắp chân, nổi tĩnh mạch dọc theo da đùi, mắt cá chân, đầu gối.

Các tĩnh mạch bị tổn thương không thể di chuyển máu hiệu quả như các tĩnh mạch khác và tuần hoàn kém có thể trở thành một vấn đề. Đôi khi, cục máu đông có thể phát triển. Tuy nhiên, chúng thường không vỡ ra và gây ra các biến chứng như huyết khối tĩnh mạch sâu.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch bao gồm: người lớn tuổi, nữ, béo phì, hút thuốc, bị huyết khối tĩnh mạch sâu, đứng trong thời gian dài hoặc di truyền.


Các tĩnh mạch bị tổn thương không thể di chuyển máu hiệu quả và có thể gây ra tuần hoàn kém. (Ảnh: Internet).

2.4. Tiểu đường

Đường huyết cao kéo dài có thể gây tổn thương dây thần kinh và mạch máu, ảnh hưởng đến sự lưu thông khắp cơ thể, bao gồm cả cánh tay, cẳng chân, bàn tay và bàn chân.

Các dấu hiệu liên quan đến tuần hoàn mà người bị tiểu đường cần chú ý:

  • Bàn chân hoặc bàn tay lạnh hoặc tê
  • Da nứt hoặc khô ở bàn chân
  • Móng tay dễ gãy
  • Rụng lông trên cơ thể ở cánh tay hoặc chân
  • Giường móng tay màu xanh lam hoặc da có màu xanh nhạt, có thể khó nhìn thấy hơn trên làn da sẫm màu.
  • Vết thương chậm lành vì máu không thể cung cấp chất dinh dưỡng cho vùng đó
  • Đau hoặc chuột rút

Khi thấy các dấu hiệu này, mọi người nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có hướng điều trị phù hợp.

Những người mắc bệnh tiểu đường tiến triển có thể gặp khó khăn trong việc phát hiện các dấu hiệu tuần hoàn kém hoặc vết thương. Điều này là do bệnh thần kinh tiểu đường có thể gây giảm cảm giác ở tứ chi.

Nếu bất cứ ai có vết thương ở bàn chân do bệnh tiểu đường cần đến bệnh viện điều trị để tránh nhiễm trùng hoặc biến chứng nguy hiểm hơn là phải cắt tứ chi.

Bệnh tiểu đường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim và mạch máu, bao gồm cả bệnh động mạch ngoại biên. Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch, huyết áp cao và bệnh tim cao hơn.

2.5. Béo phì

Nếu bạn bị béo phì, bạn có thể có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tuần hoàn. Bởi vì béo phì làm tăng nguy cơ:

  • Giãn tĩnh mạch do áp lực lên bụng và phần dưới cơ thể
  • Mỡ tích tụ trong mạch máu, dẫn đến xơ vữa động mạch
  • Viêm khắp cơ thể
  • Các khía cạnh khác nhau của hội chứng chuyển hóa, bao gồm bệnh tim và thận
  • Bệnh tiểu đường, có thể dẫn đến tổn thương thần kinh và tĩnh mạch

Những yếu tố này và các yếu tố khác đều có thể góp phần gây ra các vấn đề về tuần hoàn.


Béo phì làm tăng nguy cơ các vấn đề liên quan đến tuần hoàn máu kém. (Ảnh: Internet).

2.6. Bệnh Raynaud

Những người bị lạnh tay chân mãn tính có thể mắc một tình trạng gọi là bệnh Raynaud. Căn bệnh này khiến các động mạch nhỏ ở bàn tay và ngón chân của bạn bị thu hẹp tạm thời, gây co thắt. Các triệu chứng thường kéo dài khoảng 20 phút nhưng có thể khác nhau. Bệnh Raynaud thường ảnh hưởng đến bàn tay và ngón tay.

Các động mạch bị thu hẹp làm giảm khả năng di chuyển máu qua cơ thể, vì vậy bạn có thể bắt đầu nhận thấy các triệu chứng tuần hoàn kém. Các triệu chứng của bệnh Raynaud thường xảy ra khi bạn ở trong môi trường có nhiệt độ lạnh hoặc cảm thấy căng thẳng bất thường.

3. Cách cải thiện tình trạng tuần hoàn kém

Để cải thiện lưu thông tuần hoàn và phòng ngừa các triệu chứng tuần hoàn kém, bạn nên có một lối sống và chế độ ăn uống phù hợp, cụ thể:

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục đem lại rất nhiều lợi ích cho những người có hệ tuần hoàn kém. Khi động mạch của bạn cảm nhận được hoạt động thể chất, chúng sẽ tăng giải phóng oxit nitric giúp thư giãn mạch máu và cải thiện lưu lượng máu.

Bạn có thể đi bộ, bơi lội, đạp xe, tập yoga,... nhưng lưu ý tập với cường độ vừa phải, không tập luyện quá sức vì có thể phản tác dụng.

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh

Một số loại thực phẩm đã được chứng minh là giúp cải thiện lưu lượng máu và hỗ trợ sức khỏe tim mạch, bao gồm tỏi, hành tây, củ cải đường, quả mọng, trái cây họ cam quýt và rau lá xanh, cùng những loại khác. Bạn nên cắt giảm thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa giàu chất béo.

Ngoài ra, những người tuần hoàn máu kém nên cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn. Lượng muối cao trong chế độ ăn uống của bạn có thể gây giữ nước, sau đó làm tăng huyết áp và sưng tấy.


Ưu tiên rau củ quả và thực phẩm chứa chất béo lành mạnh để giúp tuần hoàn lưu thông tốt hơn. (Ảnh: Internet).

Bỏ thuốc lá

Các chất trong thuốc lá có thể gây co thắt mạch máu, hạn chế lưu lượng máu, liên quan đến tình trạng viêm và tổn thương lâu dài ở thành động mạch. Do vậy, bỏ hút thuốc vừa giúp cải thiện tình trạng tuần hoàn kém lại phòng ngừa được nhiều bệnh tật.

Đeo tất nén ở những người bị tiểu đường

Tất dành cho người tiểu đường mềm hơn và lỏng hơn, nhằm mục đích tránh tổn thương da, đặc biệt đối với những người mắc bệnh thần kinh. Tất nén có thành phần đàn hồi và bóp nhẹ vào chân bạn để giúp ngăn ngừa sưng tấy và ứ đọng tĩnh mạch.

Uống thuốc

Cho dù những biện pháp tự nhiên có hữu ích hay không, bạn cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc hỗ trợ tuần hoàn. Bác sĩ có thể sẽ kê đơn các loại thuốc được thiết kế để giảm bớt mọi hạn chế về lưu lượng máu, bao gồm:

  • Statin để ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trong động mạch.
  • Thuốc kháng tiểu cầu (như aspirin hoặc clopidogrel) hoặc thuốc làm loãng máu (như warfarin, apixaban hoặc Rivaroxaban).
  • Thuốc giãn mạch gọi là cilostazol, có thể giúp giảm đau khi đi bộ cho những người bị động mạch ngoại biên.
  • Thuốc hạ huyết áp.
  • Thuốc giúp kiểm soát lượng đường trong máu nếu bạn mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường.

Đối với một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể đề nghị phẫu thuật để thông các động mạch bị tắc, loại bỏ cục máu đông hoặc điều trị chứng giãn tĩnh mạch.

Nhìn chung, tuần hoàn kém là dấu hiệu cảnh báo nhiều tình trạng sức khoẻ nguy hiểm. Do vậy, bạn nên duy trì cân nặng vừa đủ, xây dựng lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh và khám sức khoẻ định kỳ để ngăn ngừa tình trạng này.

Cập nhật: 04/01/2024 PNVN
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video