Ung thư gan: phòng ngừa được!

Xạ trị cho một bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (Ảnh: L.TH.H)

Theo bác sĩ (BS) Đoàn Hữu Nam - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM - ung thư gan là loại bệnh thường gặp, đứng nhất, nhì ở TP.HCM. Nguyên nhân của ung thư gan đến nay đã xác định được có liên quan đến virus và một số yếu tố khác.

80% người xơ gan chuyển thành ung thư gan

Theo BS Phạm Hùng Cường - phó khoa ngoại 2, BV Ung bướu, khi bị nhiễm virus viêm gan B (HBV) cấp, bệnh nhân (BN) có biểu hiện đau nhức toàn thân, đau cơ, sốt nhẹ giống như triệu chứng bị cảm cúm; hoặc chán ăn, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy.

“Thủ phạm” gây bệnh

Yếu tố “gắn bó” với ung thư gan thường gặp nhất là xơ gan do rượu (hay gặp ở các nước châu Âu) và xơ gan do HBV hoặc HCV. Ở VN, yếu tố do HBV gặp nhiều hơn HCV.

Theo thống kê, tỉ lệ người VN bị nhiễm HBV hiện nay là 18-24%. VN được xếp vào loại những nước có tỉ lệ nhiễm HBV cao trên thế giới. Điều đáng lo là HBV có khả năng lây lan mạnh gấp 100 lần so với virus HIV.

BS Phạm Hùng Cường - phó khoa ngoại 2, BV Ung bướu - cho biết nghiên cứu của ông và BS Đoàn Hữu Nam đã xác định được có đến 83% BN bị ung thư gan đã từng nhiễm HBV.

Triệu chứng này chỉ biểu hiện trong khoảng một tuần rồi biến mất. Chính vì điều đó mà nhiều người không biết mình đã bị nhiễm HBV. Khi bị nhiễm HBV nặng, BN có biểu hiện vàng da, nước tiểu vàng, phân hơi bạc màu, gan to, ấn tức.

Tuy nhiên, theo BS Phạm Hùng Cường, không phải ai nhiễm HBV đều trở thành người bệnh. Điều này còn tùy thuộc khả năng tự bảo vệ của từng người. Có nhiều người sống chung với HBV cả đời nhưng không hề bị viêm gan. Trong số những người bị nhiễm HBV có khoảng 10-15% sẽ diễn tiến thành viêm gan mạn tính.

Trong những người bị viêm gan mạn sẽ có 25% trở thành xơ gan; trong những người bị xơ gan sẽ có 80% trường hợp tiến triển thành ung thư gan. Diễn tiến từ viêm gan mạn đến xơ gan rồi ung thư gan khoảng 10-20 năm. Vì vậy, những người bị ung thư gan thường gặp ở độ 30-40 tuổi.

Phát hiện sớm bằng siêu âm và thử máu

Theo các BS, khi bị ung thư gan, BN có những triệu chứng thường gặp là nặng bụng, tức bụng bên phải, mệt mỏi, chán ăn, đôi khi bụng trướng to (bụng báng), đôi khi sút ký, thậm chí BN có thể sờ thấy bướu ở bụng.

Tuy nhiên, khi xuất hiện những triệu chứng này thì bệnh đã ở giai đoạn trễ. Hằng năm tại BV Ung bướu TP tiếp nhận khoảng 600-800 ca ung thư gan. Trong đó 98% BN đến BV đã ở giai đoạn trễ không thể phẫu thuật được. Với những trường hợp ung thư gan được phát hiện sớm khi khối u nhỏ hơn 3cm, khả năng điều trị khỏi hoàn toàn rất cao. Có nhiều trường hợp sống đến 20 năm chưa tái phát.

Về điều trị, ung thư gan là bệnh có diễn tiến rất nhanh. Một BN từ khi được BS chẩn đoán xác định bị ung thư gan, nếu không điều trị chỉ có thể sống không quá sáu tháng. Đến nay, phẫu thuật vẫn là phương pháp tốt nhất để điều trị ung thư gan ở giai đoạn sớm.

BS Đoàn Hữu Nam cho biết: tuy ung thư gan là bệnh khó trị ở giai đoạn trễ, nhưng may mắn là bệnh có thể phát hiện được ở giai đoạn sớm bằng cách tầm soát trên những người có nguy cơ ung thư gan cao. Ở VN, những người có nguy cơ cao là những người đã từng nhiễm HBV trong quá khứ. Vì vậy, những người đã nhiễm HBV nên đi siêu âm bụng và thử máu tìm kháng nguyên đặc hiệu AFP sáu tháng một lần. Nếu không biết mình có bị nhiễm HBV hay chưa, nên đi khám sức khỏe và thử máu để xác định.

Tiêm ngừa HBV tránh được ung thư gan

Hình ảnh ung thư gan phải 
(Ảnh: P.H.C)

PGS.BS Nguyễn Chấn Hùng - giám đốc BV Ung bướu - cho biết đã có thuốc tiêm ngừa HBV một cách hiệu quả. Tiêm ngừa HBV sớm chính là để phòng ngừa ung thư gan trong tương lai. Vì lợi ích này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo và Bộ Y tế cũng đã đưa việc tiêm ngừa HBV vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới một tuổi. Đây là biện pháp phòng bệnh rất khả thi, giá tiêm ngừa cũng rẻ hơn so với nhiều văcxin khác. Riêng virus viêm gan C (HCV) đến nay vẫn chưa có văcxin.

BS Đoàn Hữu Nam lưu ý thêm có những trẻ vừa sinh ra đã bị nhiễm HBV từ mẹ. Tỉ lệ lây truyền HBV từ mẹ sang con là rất cao: 44%. Nhiều nghiên cứu khẳng định những người bị nhiễm HBV từ khi còn bé thì sau này 100% sẽ trở thành người bị nhiễm HBV mạn tính. Vì vậy, người ta khuyên phải tiêm ngừa HBV cho trẻ em ngay từ lúc mới sinh. Ngoài tiêm chủng cho trẻ sau sinh, người ta còn dùng thuốc miễn dịch để bảo vệ đứa trẻ không bị nhiễm HBV.

Các BS cũng khuyên: sau khi tiêm ngừa văcxin HBV cần đi xét nghiệm xem liều tiêm có hiệu quả không. Về nguyên tắc cứ năm năm chích lại một lần. Ngoài ra với những người đã bị viêm gan do HBV cần hạn chế uống rượu, bởi rượu không chỉ gây ra xơ gan mà còn là yếu tố thuận lợi thúc đẩy HBV phát triển nhanh số lượng trong máu và làm giảm khả năng chịu đựng của tế bào gan trước sự tấn công của virus.  

LÊ THANH HÀ

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video