Sẩy thai và cách phòng ngừa

  •  
  • 811

Sẩy thai là tình trạng kết thúc thai nghén trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Ước tính cứ 5 thai phụ thì 1 người bị sẩy. Hầu hết các trường hợp sẩy thai đều xảy ra trong vòng 12 tuần lễ đầu.

U xơ tử cung, một nguyên nhân gây sẩy thai.
U xơ tử cung, một nguyên nhân gây sẩy thai. (Ảnh: SK & ĐS)
Hơn 60% trường hợp sẩy thai tự nhiên là hậu quả của dị dạng nhiễm sắc thể do yếu tố người mẹ hoặc bố. Khoảng 15% là do chấn thương, nhiễm khuẩn, thiếu dinh dưỡng, tiểu đường, nhược năng tuyến giáp hay dị dạng giải phẫu ở người mẹ (cổ tử cung bị hở, tử cung có vách ngăn, u xơ tử cung quá to). Trong ¼ số trường hợp, nguyên nhân sẩy thai không xác định được.

Các triệu chứng báo hiệu sẩy thai bao gồm: Đau quặn bụng, có hoặc không có xuất huyết (ra máu) âm đạo kèm theo. Nếu xuất huyết âm đạo nhiều kèm theo đau quặn bụng là dấu hiệu thai sắp bị sẩy.

Người ta phân sẩy thai thành các loại sau:

Dọa sẩy thai: Thường có xuất huyết âm đạo và đau bụng, nhưng thai nhi vẫn còn sống và chưa bị đẩy ra khỏi buồng tử cung. Cổ tử cung vẫn đóng kín, hoặc mở nhưng các thành phần của thai chưa bị tụt ra. Nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục chảy máu và đau bụng, các thành phần của thai đã đi qua ống cổ tử cung (thập thò âm đạo) thì được coi là sẩy thai không tránh được.

Chắc chắn bị sẩy thai: Thai nhi đã chết và đang được đẩy ra. Sẩy thai chắc chắn có thể là hoàn toàn (toàn bộ thai nhi lẫn nhau thai cùng bị tống ra một lúc, sau đó hết đau quặn bụng, nhưng máu vẫn có thể tiếp tục rỉ ra như kinh nguyệt) và không hoàn toàn (một phần của thai và nhau thai vẫn còn trong tử cung; tuy đã bớt đau quặn bụng nhưng máu âm đạo vẫn chảy liên tục, thậm chí băng huyết).

Sẩy thai lưu: Là trường hợp thai nhi đã chết nhưng còn lưu lại trong tử cung chưa bị đẩy ra ngoài. Thời gian lưu có thể lâu hàng tuần, hàng tháng nhưng triệu chứng thai nghén biến mất, có máu đen ra ở âm đạo, không đau bụng. Khám thấy cổ tử cung hơi chắc và hơi to ra, thân tử cung trở nên nhỏ hơn so với tuổi thai và mềm không đều. Siêu âm không có tim thai.

Xử trí như thế nào?

Nếu có dấu hiệu dọa sẩy thai, cần nghỉ ngơi tại giường, người nhà mời bác sĩ sản khoa đến khám và dùng thuốc theo chỉ dẫn (có thể dùng các thuốc giảm co bóp tử cung, nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn thì dùng kháng sinh). Khi có dấu hiệu dọa sẩy, phải kiêng lao động, giao hợp, ăn uống thức ăn mềm, dễ tiêu, tránh táo bón.

Nếu đã dùng thuốc và nghỉ ngơi nhưng máu ra vẫn tăng hoặc đau bụng tăng thì phải đi bệnh viện khám siêu âm để xác định thai còn sống hay chết, từ đó bác sĩ có quyết định tiếp tục điều trị giữ thai hay bỏ thai.

Đối với thai lưu thì không nên chờ để sẩy tự nhiên mà cần đi khám để tùy theo tuổi thai và thời gian lưu mà có cách xử trí. Nếu thai nhỏ dưới 3 tháng bác sĩ sẽ chỉ đạo nạo buồng tử cung hoặc dùng phương pháp phá thai nội khoa (thuốc đặt âm đạo, phối hợp dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn). Nếu thai to hơn, cần làm xét nghiệm máu xem có bị rối loạn đông máu không, nếu có thì phải điều trị rồi mới phá thai.

Ngăn ngừa sẩy thai bằng cách nào?

Cách ngăn ngừa duy nhất là thăm khám thai định kỳ tại cơ sở y tế. Nếu phát hiện bất thường như hở eo tử cung, bác sĩ sẽ có chỉ định khâu vòng cổ tử cung sớm để tránh sẩy. Đây là thủ thuật đơn giản, bệnh nhân không phải nằm viện. Trường hợp có thai mà đau bụng lâm râm, có ra huyết dù là chút ít cũng cần đến khám dù chưa đến hẹn.

Khi mang thai, cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, uống bổ sung viên sắt để tránh thiếu máu vì đây là nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng và gây sẩy. Tránh lao động nặng hoặc tiếp xúc với các chất độc hại. Vệ sinh cá nhân và vệ sinh giao hợp vì nhiễm khuẩn âm đạo, tử cung cũng là nguyên nhân gây sẩy thai.

BS. Trần Thị Hạnh

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
  • 811