Ngoài gần 8 triệu người tử vong, còn có thêm 12 triệu người mang trong mình căn bệnh ung thư. Đó là số liệu do Tổ chức ung thư Mỹ vừa công bố hôm qua.
Dựa trên những dữ liệu do Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), thuộc Tổ chức Y tế thế giới, tổng hợp, bản báo cáo mang tên Global Cancer Facts and Figures 2007 (ACS) đã làm rõ sự khác biệt trong tình trạng mắc bệnh ung thư ở các nước phát triển và đang phát triển.
Sự nhiễm trùng đóng vai trò chủ đạo hơn trong việc gây ra ung thư ở các nước đang phát triển. Nơi đây, số người bị ung thư do nhiễm trùng cao gấp 2 lần các nước phát triển. Ở những nước thuộc thế giới thứ 3, ung thư dạ dày, phổi và gan được coi là 3 căn bệnh phổ biến nhất ở đàn ông. Trong khi đó, ung thư vú, tử cung và dạ dày lại thịnh hành ở giới nữ.
Tế bào ung thư. (Ảnh: Xinhua) |
Ngược lại, ở các nước phát triển, căn bệnh ung thư chủ yếu ở đàn ông là tuyến tiền liệt, phổi và ruột, trong khi ung thư vú, ruột và phổi phổ biến ở phái yếu. Tỷ lệ sống sót thấp hơn ở các nước kém phát triển, thể hiện sự yếu kém trong phòng chống, phát hiện sớm và điều trị.
Bản báo cáo cũng cho thấy xu hướng hút thuốc gia tăng ở các nước đang phát triển. Nó cảnh báo nếu mô hình tiếp tục, số người hút thuốc trên toàn cầu sẽ đạt 2 tỷ vào năm 2030.
Năm 2000, khoảng 5 triệu người chết vì bệnh liên quan tới hút thuốc, và trong số đó, 1,42 triệu người chết vì ung thư. Khoảng 84% trong số gần 1,3 tỷ người hút thuốc trên thế giới sống tại các nước đang phát triển.
M.T.