Tổ máy đầu tiên của nhà máy thủy điện Maerdang ở thượng nguồn sông Hoàng Hà bắt đầu hoạt động từ ngày 1/4 theo nhà vận hành là tập đoàn China Energy.
Nhà máy thủy điện Maerdang ở thượng nguồn sông Hoàng Hà. (Video: CCTV).
Maerdang là nhà máy thủy điện cao nhất cả nước với công suất lắp đặt lớn nhất ở lưu vực sông Hoàng Hà, theo CGTN. Nằm ở độ cao 5.000m phía trên mực nước biển ở tỉnh Thanh Hải phía tây bắc Trung Quốc, tổ máy đầu tiên của nhà máy thủy điện Maerdang có công suất lắp đặt 550.000 kilowatt (kW). Theo dự kiến, tổ máy này sẽ sản xuất 13,2 triệu kilowatt giờ (kWh) điện sạch mỗi ngày, đáp ứng nhu cầu điện hàng ngày của 1,1 triệu gia đình, China Energy cho biết.
Sau khi vận hành đầy đủ, nhà máy với tổng công suất lắp đặt 2,32 triệu kW có thể sản xuất trung bình hơn 7,3 tỷ kWh điện mỗi năm, giảm tiêu thụ 2,56 triệu tấn than đá tiêu chuẩn và 8,16 triệu tấn khí thải carbon dioxide.
Dự án này là cơ sở năng lượng sạch tích hợp đầu tiên của China Energy, bao gồm thủy điện, điện mặt trời và lưu trữ năng lượng. Dự án giúp tận dụng tốt hơn năng lượng sạch dồi dào ở phía tây Trung Quốc để mang lại lợi ích cho khu vực phía đông đang thiếu điện. Ngoài ra, một trạm biến áp siêu cao thế thuộc hàng cao nhất Trung Quốc cũng đi vào hoạt động hồi tháng 9 năm ngoái, là một phần thuộc nhà máy thủy điện Maerdang ở Thanh Hải.
Sau khi vận hành đầy đủ, nhà máy với tổng công suất lắp đặt 2,32 triệu kW.
Trạm biến áp mới tăng điện áp của mạng lưới truyền điện ở châu tự trị dân tộc Tạng Golog của tỉnh Thanh Hải, từ 330 kV lên 750 kV. Đây là trạm biến áp thông minh đầu tiên trang bị hệ thống máy bay không người lái ở tỉnh này, có thể thu tín hiệu của drone xâm phạm và bật chế độ bảo vệ để đánh chặn drone không xác định. Công trình có thể truyền khoảng 15 tỷ kWh điện sạch mỗi năm, thúc đẩy sử dụng tài nguyên nước và phát triển điện ở thượng nguồn sông Hoàng Hà, theo Gu Faming, phó giám đốc trung tâm cơ khí và điện thuộc nhà máy điện Maerdang.