Vào chuồng bắt... lợn rừng

Có một giống lợn rất đặc biệt được ra đời giữa giống lợn rừng và lợn nhà thả rông ở miền núi tỉnh Quảng Trị. Người mang đến thành công này và tạo ra thương hiệu "lợn Vân Pa" là thạc sĩ Trần Văn Do, Hiệu trưởng Trường trung học Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị.

Nhìn đàn lợn, con màu sọc dưa, con màu khoang đen... đang nhẩn nha quanh mẹ, thật thích mắt. Tôi hỏi sao na ná lợn rừng về sinh... trong vườn, ông từ tốn: "Không, đây là giống lợn mới được lai tạo thành công".

Lợn rừng trong vườn thí nghiệm đã sinh ra những chú lợn con. (Ảnh: ND)

Vì sao anh lại đi vào nghiên cứu bảo tồn giống lợn này một cách đam mê như vậy, tôi hỏi? Như gặp được người chia sẻ, thạc sĩ Trần Văn Do cởi mở: Tình cờ, một lần lên làm việc ở miền núi Quảng Trị, tôi phát hiện ra một giống lợn khá lạ. Những con lợn được ra đời trên cơ sở giao phối giữa lợn rừng và lợn nhà thả rông của bà con dân tộc. Thế nhưng, đời sống tự nhiên của nó đang bị thu hẹp lại bởi sự tấn công chủ định của con người.

Nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao, các nhà hàng, khách sạn mỗi ngày tiêu thụ không biết bao nhiêu thịt lợn rừng. Chứng kiến các tay thợ săn ngang nhiên vào rừng săn bắn lợn, đe doạ trực tiếp đến điều kiện sống của các loài động vật quý hiếm khác anh Do thấy thật chua xót.

Làm công việc nghiên cứu lai tạo giống không chỉ bảo tồn một giống lợn quý mà qua đó anh còn có mong muốn tạo điều kiện cho các loài thú quý hiếm khác được sống an toàn hơn... Sự lo toan chu đáo của anh quả thật không phải ai cũng nghĩ tới được.

Cái tâm của người cán bộ làm công tác nghiên cứu chăn nuôi khiến anh nhiều lúc phải lo âu, dằn vặt hàng tháng trời chỉ vì không hành động kịp thời để bảo tồn thì giống lợn quý báu ấy sẽ nhanh chóng mất tiêu.

Đang có một vị trí giảng dạy ổn định tại Trường đại học Nông Lâm Huế, anh quyết định xin về làm việc tại tỉnh Quảng Trị để có thêm điều kiện nghiên cứu, thâm nhập thực tế.

Công việc đầu tiên là lùng sục đến tận các bản làng, bỏ tiền ra mua rất nhiều "lợn rừng" về nuôi. Nhưng, đồng tiền của nhà khoa học đâu phải sẵn có, anh phải chắt chiu dè sẻn lắm mới đủ phục vụ cho công trình nghiên cứu của mình.

Có dạo anh phải quyết định bán chiếc xe Honda đang dùng làm phương tiện đi lại để lấy mười triệu đồng mua lợn giống về thí nghiệm. Anh Do nói, hồi đó làm khoa học mà như đi buôn lẻ ở chợ, được đồng nào mua đồng ấy.

Thế nhưng, anh luôn có một niềm tin vào chính mình. Phải làm việc bằng khả năng và cái tâm trong sáng thì không ai phụ mình.

Trời không phụ công người, sau ba năm nghiên cứu, anh Do đã trình làng một giống lợn mới. Một đàn lợn rừng lai hơn 30 con ra đời ngay trong vườn thí nghiệm của anh.

Bảy tháng sau, một con lợn cái trong số đó đã sinh được bảy con lợn con. Đây là thành công bước đầu trong quá trình bảo tồn giống mà anh đằng đẵng theo đuổi.

Nhớ lại nhưng ngày đầu vất vả anh Do nói trong hạnh phúc: "Khi nhìn thấy những con lợn lai đầu tiên ra đời, tôi mừng đến chảy nước mắt. Kết quả bước đầu này đã mở ra một hướng mới trong việc bảo tồn, phát triển giống lợn đặc sản miền núi Quảng Trị".

Cái hay của giống lợn rừng được anh Do lai tạo là sống được trong điều kiện tự nhiên, không cho ăn bột cám, chỉ ăn lá cỏ, củ sắn, giun, dế. Khác với lợn nhà, sự chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của giống lợn này rất tốt, không đau ốm, dịch bệnh. Đây là tiêu chí cần và quý nhất khi mang giống lợn lai này trở lại phổ biến cho bà con miền núi chăn nuôi, nó phù hợp sự đào thải, khắc nghiệt của tự nhiên.

Hiện tại, đàn lợn giống được anh lai tạo đông hơn 70 con, con nào con nấy đều khỏe mạnh. Nhìn đàn lợn đang chạy trong vườn thực nghiệm ấy có những con đã trưởng thành, đạt trọng lượng từ 35 đến 40 kg.

Anh Do cho biết mỗi kilôgam thịt có giá bán cao gấp 2 lần lợn nhà, chất lượng thịt nạc nhiều, thơm ngon. Đây là nguồn thịt lợn sạch, không có dư lượng thuốc tăng trọng như lợn nuôi công nghiệp. Do vậy, nhu cầu người tiêu thụ mạnh nhưng cung chưa đáp ứng đủ cầu.

Thạc sĩ Trần Văn Do, người tìm ra giống lợn Vân Pa. (Ảnh: ND)

Sau hàng chục năm nghiên cứu thực nghiệm, nhiều lúc tưởng chừng như thất bại, rồi cuối cùng ý chí của nhà khoa học giúp anh thành công.

Thạc sĩ Trần Văn Do cho biết thương hiệu của giống lợn mới là lợn Vân Pa, điều này gợi nhớ đến vật nuôi không thể thiếu được trong mỗi gia đình của dân tộc Vân Kiều, Pa Cô Quảng Trị. Đây là một thương hiệu về giống lợn nổi tiếng được Viện Chăn nuôi đánh giá rất cao.

Trong bảng vàng ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học cho sự nghiệp phát triển chăn nuôi, tên của thạc sĩ Trần Văn Do và thương hiệu lợn Vân Pa dược nằm ở một vị trí hết sức trang trọng.

"Tiếng lành đồn xa", thông tin thương hiệu lợn "Vân Pa Quảng Trị" ra đời từ lợn rừng hoang đã bay đến Nhật Bản. Một đoàn nghiên cứu sinh học nông nghiệp Nhật Bản đã tìm đến trại lợn của anh Trần Văn Do. Các chuyên gia Nhật Bản đã đặt vấn đề cùng hợp tác phát triển để nhân giống và bảo tồn nguồn zen quý của giống lợn "Vân Pa Quảng Trị". Chia sẻ niềm vui này, thạc sĩ Trần Văn Do cho biết sẽ sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật và cung cấp giống cho những người có nhu cầu phát triển lợn "Vân Pa Quảng Trị".

Lợn "Vân Pa Quảng Trị" rất phù hợp cho việc phát triển trang trại chăn nuôi. Chi phí đầu vào để nuôi lợn rất thấp, vì tận dụng được nguồn tài nguyên sẵn có làm thức ăn, lợn không mắc các chứng bệnh như lợn nhà thường gặp nên xác suất rủi ro trong khi nuôi là rất ít. Từ giống lợn Vân Pa, hy vọng sẽ đem đến một hiệu quả kinh tế rất lớn cho người nông dân trong ngành chăn nuôi.

Theo Đại đoàn kết, Nhân dân
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video