Trên đây là kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Vật lý địa cầu, Viện Địa chất và Viện Địa chất - địa vật lý biển.
Theo đó, độ nguy hiểm động đất phân bố không đều trên toàn bộ dải ven biển và thềm lục địa Việt Nam. Dải ven biển miền Bắc từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có độ nguy hiểm động đất cao nhất, hình thành một đới chấn động cấp 7.
Tiếp đến là đới Bắc Trung bộ, bao gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và dải từ Quảng Bình đến Khánh Hòa nằm trong vùng chấn động từ cấp 7 đến cấp 8. Tại một số nơi thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu chấn động được đánh giá lên tới cấp 8.
Bên cạnh đó, các bản đồ nguy hiểm sóng thần cũng cho thấy nguy cơ của sóng thần tác động đến các vùng ven biển Trung Trung bộ, Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ khá rõ, với chu kỳ lặp lại là 475 và 950 năm. Độ cao sóng thần ở vùng ven biển Trung Trung bộ từ 3 - 4m ở chu kỳ 475 năm và 5 - 6m ở chu kỳ 950 năm. Ở vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các vùng Bắc và Nam trung bộ từ 2-3m ở chu kỳ 475 năm và 3 - 4m ở chu kỳ 950 năm
Theo GS.TS Bùi Công Quế - Viện Vật lý địa cầu, các vùng nguồn động đất và sóng thần có khả năng gây động đất và sóng thần tác động trực tiếp đến ven biển Việt Nam bao gồm đới hút chìm Manila, vùng nguồn Bắc Biển Đông và vùng đứt gãy vách dốc Đông Việt Nam trên thềm lục địa và ven biển miền Trung Việt Nam.