Tính trung bình, phải mất khoảng 50- 60 phút để xác định các thông số động đất và chuyển thông tin đến các cơ quan hữu quan...
Hiện nay, tại Việt Nam có Viện Vật lý địa cầu (Viện KH-CN Việt Nam) gần như là đơn vị duy nhất thực hiện việc quan trắc, cảnh báo sóng thần. Nếu có thêm nữa thì đó là Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tuy nhiên, đơn vị này thiên về dự báo hình thái thời tiết có kèm sóng thần hơn là cảnh báo.
Tiếp tục xây thêm trạm quan trắc
Tính đến nay, mới chỉ có khoảng 12 trạm quan trắc đã được xây dựng và đi vào hoạt động. TS Lê Huy Minh, phó Viện trưởng phụ trách Viện Vật lý địa cầu cho biết, dự kiến năm 2012 - 2013, sẽ có thể khoảng 2 - 3 trạm nữa.
PGS TS Lê Huy Minh và các cộng sự đang theo dõi bản đồ cảnh báo sóng thần (Ảnh: L. Cơ)
Được biết, đề án “Tăng cường mạng lưới trạm quan sát động đất phục vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần VN 2009 - 2013” mà Viện này trình Bộ TN-MT thì sẽ có 30 trạm phân bố khắp cả nước và 8 trạm đặt cả máy ghi địa chấn và GPS liên tục.
Đề án này nhằm xây dựng hệ thống trạm địa chấn quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế và trung tâm xử lý số liệu có khả năng ghi nhận đầy đủ và nhanh chóng xác định các thông số của các trận động đất trên 3,5 độ richter xảy ra trên đất liền và vùng biển Đông gần bờ, các trận động đất trên 6,5 độ richter trên toàn vùng biển Đông.
Mất hơn 1 giờ mới báo động được
Đáng lo ngại hơn, không chỉ thiếu và yếu về số lượng trạm quan trắc động đất, sự hoạt động và tính toán, cảnh báo của hệ thống này là quá chậm, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý địa cầu cho biết
Tính trung bình, mất khoảng 50 - 60 phút để xác định các thông số động đất và để thông tin được chuyển tới các cơ quan hữu quan. Điều này có nghĩa là, sẽ có quá ít thời gian để chuẩn bị đối phó khi có sóng thần đến.
Sự bất cập này cũng thể hiện rõ sự kém chủ động trong việc cập nhật dữ liệu bởi thực tế, Việt Nam hiện đang dựa chủ yếu nguồn dữ liệu truyền tin sóng thần từ hệ thống cảnh báo sóng thần khu vực và thế giới. Một khi không chủ động về dữ liệu thì khó có thể chủ động về phương án ứng phó khi có thiên tai xảy ra.
Bản đồ phân bố chấn tâm động đất ở Việt Nam và các vùng
lân cận (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)
25 kịch bản sóng thần liệu có đủ?
Được biết, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố 25 kịch bản về sóng thần dựa trên 25 mức độ động đất khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam. Song nếu nhìn con số 100.000 kịch bản của Nhật Bản hay gần chúng ta nhất là 7.000 kịch bản của Indonexia thì thấy số kịch bản của Việt Nam của là quá ít ỏi.
Nhiều người lý giải, bởi Nhật Bản và Indonexia là hai quốc gia luôn được cảnh báo có nguy cơ cao về động đất và sóng thần nên sự chuẩn bị của họ chu đáo và kỹ càng hơn Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.
Lý giải này cũng có vẻ đúng nhưng chưa đủ bởi lẽ, một nguyên tắc ứng xử với thiên tai là phòng hơn chống. Hơn nữa, số liệu thống kê và nhận định chung của các nhà khoa học cũng cho thấy, Việt Nam không hề là nước bị loại thiên tai này bỏ qua. Nhìn về quá khứ, đã có những trận động đất cấp 8, cấp 9 kèm sóng thần đã diễn ra ở lãnh thổ nước ta. Các nhà khoa học cảnh báo: Nguy cơ sóng thần cao 10m tràn vào bờ biển Việt Nam là hiện hữu nếu xảy ra động đất mạnh 9,2 độ richter ở rãnh nước sâu Manila.
Bên cạnh đó, động đất là loại thiên tai rất đặc thù, nếu vùng đất nào quá bình yên một thời gian lâu thì nơi đó cũng là vùng tiềm ẩn tích lũy năng lượng cao để bùng phát động đất mạnh bất cứ lúc nào. Myanmar, Thái Lan gần đây nhất là bài học nhãn tiền. Hai quốc gia Đông Nam Á này đã có động đất cấp 7 làm hơn 70 người thiệt mạng.
Chính phủ Trung Quốc sẽ khởi động chiến dịch vẽ bản đồ các nứt gẫy đang hoạt động trong nước trước sự báo động từ hai cơn địa chấn mạnh ở Nhật và Myanmar – theo Xinhuanet. Tại Trung Quốc, các nứt gẫy này có thể dài hàng chục đến hàng ngàn kilomet. Trung Quốc cũng đang làm việc về một bản đồ phân vùng địa chấn mới. Bản đồ sẽ đánh dấu những vùng có nguy cơ về động đất và sẽ được hoàn thành trong năm nay. Dựa trên bản đồ mới, chính phủ Trung Quốc sẽ ban hành yêu cầu "đối phó địa chấn" cụ thể cho các toà nhà và cơ sở vật chất trên cả nước. (Chi Giao) |