Caulobacter crescentus là sinh vật bám dính tốt nhất trong tự nhiên. (Ảnh: Nature) |
Caulobacter crescentus thường là sinh vật đầu tiên cư ngụ ở bất kỳ bề mặt nước nào, từ những thân tàu, các dòng sông, suối hay các đường ống nước, tới những ống thông đường tiểu. Nó nổi tiếng nhờ khả năng khó di chuyển, kháng cự lại được áp suất của dòng nước mạnh chảy xiết.
Chất keo do Caulobacter crescentus tiết ra có thể dính vào một bề mặt ngay cả khi chịu một sức kéo tương đương với 4 chiếc xe hơi đặt trên một đồng xu.
Cụ thể, nó có thể chịu được lực kéo đến 70 newton trên mỗi milimét vuông, trong khi các loại keo siêu khoẻ thương mại bị đứt vỡ ngay dưới tác dụng của lực 18-28 newton trên mỗi milimét vuông.
Và giờ đây các nhà khoa học đang cố gắng hoá giải bí ẩn chế tạo vật liệu này. Họ phát hiện thấy keo cấu tạo từ những phân tử đường mạch dài có tên gọi polysaccharide. Chưa rõ loại keo này hoạt động ra sao, nhưng các nhà khoa học vẫn phỏng đoán rằng phải có một vài protein đặc biệt gắn với các phân tử đường đó.
"Chúng tôi đã nhìn thấy những ứng dụng rõ ràng vì chất keo này làm việc trên các bề mặt ướt", trưởng nhóm nghiên cứu Yves Brun, một nhà vi trùng học tại Đại học Indiana cho biết. "Một khả năng có thể là dùng nó để chế tạo keo phẫu thuật có thể phân huỷ sinh học". Các kỹ sư cũng có thể sử dụng chất siêu dính này.
Tuy nhiên, "thách thức sẽ là việc tạo keo siêu dính với số lượng lớn mà không làm dính vào bất cứ thứ gì dùng để chế tạo nó", Brun nói.
T. An