Thoạt tiên một bệnh nhân cúm gà 13 tuổi tưởng như may mắn khi em chỉ bị viêm nhẹ một bên phổi và được điều trị ngay bằng Tamiflu. Tuy nhiên, sau vài ngày tỉnh táo, bệnh nhân trở nên khó thở và tử vong nhanh chóng - một dấu hiệu cho thấy virus H5N1 đã kháng thuốc. Kết quả thử nghiệm tại Hong Kong cho thấy, virus tấn công cô bé đã đột biến theo cách "miễn dịch" với Tamiflu. Bệnh nhân có một "yếu tố thay thế H274Y trong men neuraminidase - dấu hiệu cho thấy mức kháng oseltamivir (tên biệt dược của Tamiflu) cao", nhóm tác giả khẳng định trong báo cáo đăng trên tạp chí Y học New England (Mỹ). Hiện tượng tương tự cũng xảy ra với một số bệnh nhân được điều trị bằng nhóm thuốc tương tự. Ít nhất đã có 4 trong số 8 người được điều trị bằng Tamiflu đã chết. Lâu nay, người ta không ngạc nhiên về chuyện virus thường phát triển khả năng kháng thuốc, đó là lý do vì sao việc điều trị AIDS cần một hỗn hợp thuốc. "Cách phòng tránh nguy cơ kháng thuốc tốt nhất là ức chế sự phân bào càng triệt để và càng sớm càng tốt. Mô hình 'đánh mạnh và đánh sớm' vốn được áp dụng trong điều trị HIV/AIDS cũng hiệu quả đối với bệnh cúm và nhiều bệnh nhiễm virus khác", de Jong nhận định. Tamiflu là một trong hai loại thuốc chống cúm thuộc nhóm ức chế neuraminidase. Chúng nhắm vào một protein trên bề mặt của tế bào tên là axit sialic, được ví như "cánh cổng" vào bên trong tế bào. Các loại virus cúm thường dùng một men gọi là neuraminidase (chính là chữ N trong H5N1) để "mở" cánh cổng này và xâm nhập vào bên trọng tế bào lành. Tamiflu có khả năng khống chế men neuraminidase, do đó không cho virus bám vào "cánh cổng" axit sialic. Tuy nhiên, virus cúm có xu hướng tiến hóa và thay đổi liên tục, nên cấu trúc của men neuraminidase cũng thay đổi theo. Hệ quả là Tamiflu không thể vô hiệu hóa triệt để neuraminidase. "Hạn chế về cấu trúc của Tamiflu là dễ bị suy yếu sau một vài đột biến của virus, cho phép phân tử neuraminidase bảo toàn và virus vẫn hoạt động mạnh", tiến sĩ Anne Moscona, chuyên gia các bệnh virus ở trẻ, Đại học Cornell (Mỹ), cho biết. Trong khi đó, cấu trúc của một loại thuốc cùng nhóm là Relenza của hãng GlaxoSmithKline "có phần khác nên nó hạn chế virus kháng thuốc tốt hơn". Tuy nhiên, Relenza (còn có tên biệt dược là zanamivir) lại có những hạn chế riêng: một là thuốc ở dạng xịt nên không thích hợp với một số bệnh nhân, hai là nó chỉ phát huy tác dụng ở phổi, trong khi H5N1 tấn công cả những cơ quan khác. Mỹ Linh (theo Reuters)